Thứ 6, 26/04/2024 11:29:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:50, 26/04/2015 GMT+7

Bất cập trong Điều 115 của Bộ luật hình sự

Chủ nhật, 26/04/2015 | 06:50:00 6,847 lượt xem
BP - Điều 115 trong Bộ luật hình sự hiện hành là những quy định về tội giao cấu với trẻ em, có nội dung như sau:

1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Có tính chất loạn luân; d) Làm nạn nhân có thai; đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

Theo câu chữ của quy định này thì có hai khái niệm cần lưu ý, mà khi áp dụng xử lý tội phạm này, bất cứ cơ quan pháp luật nào cũng phải tôn trọng, tuân thủ, đó là: Thứ nhất, phải là người đã thành niên, tức người phạm tội, chủ thể của tội phạm phải từ 18 tuổi trở lên. Thứ hai, là người bị hại, tức nạn nhân của tội phạm phải trong độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16.

Từ nội dung trên, vấn đề đặt ra và cần trao đổi, bàn luận là chủ thể của tội phạm này có loại trừ “giới tính nữ” hay không. Vì ở đây đã và đang có nhiều cách hiểu không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau và điều này làm hạn chế việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, một là, theo câu chữ ghi trong Khoản 1, Điều 115 thì bất cứ đàn ông hay đàn bà, tức là người đã thành niên rồi, mà lại giao cấu với trẻ em khác giới, ở tuổi từ 13 đến dưới 16 đều là phạm tội.

Hai là, cũng ở Điều 115, tại Điểm d Khoản 2 lại ghi: “... làm nạn nhân có thai...”. Như vậy, ở đây phải chăng ý nghĩa của quy định này cũng như các nhà làm luật ngầm quy định rằng người bị hại phải là nữ giới. Từ đó dẫn tới việc theo tinh thần của Điều 115 trên, thì chỉ xử lý tội phạm đối với nam giới, khi có đủ điều kiện bắt buộc trên.

Ba là, có ý kiến cho rằng, khi người phụ nữ là chủ thể của tội phạm này mà lại có thai và cái thai này là do hậu quả của hành vi phạm tội mà có... thì cũng không bị chuyển sang khung hình phạt tăng nặng, theo Điểm d Khoản 2, Điều 115. Mà ngược lại, phải coi đó là tình tiết giảm nhẹ cho họ, quy định tại Điểm 1, Khoản l, Điều 46 Bộ luật hình sự (người phạm tội là phụ nữ có thai!)

Nếu giải thích theo nội dung câu chữ, hoặc giải thích theo tinh thần điều luật trên, thì những quan điểm trên đều có lý. Nhưng theo tôi thì rất cần có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất vấn đề để việc áp dụng pháp luật một cách chính xác và đạt hiệu quả cao. Nếu xuất phát từ tính nhân văn và muốn bảo vệ đối tượng bị hại đang ở tuổi từ 13 đến dưới 16 không bị xâm hại về tình dục, nên không phân biệt đó là “trẻ em gái” hay “trẻ em trai”, cứ bị xâm hại là được bảo vệ. Nghĩa là, chủ thể của tội phạm cũng không phân biệt là nam hay nữ. Và nếu đủ điều kiện như quy định của điều luật, thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Xuất phát từ quan điểm này thì tội giao cấu với trẻ em như quy định trong Điều 115 của Bộ luật hình sự hiện hành không cần phải sửa đổi, bổ sung. Hơn nữa, thực tế từ khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành đến nay chưa có người phụ nữ nào bị xử lý về tội này.

Tuy nhiên, cho đến nay không ai có thể khẳng định rằng trong tương lai sẽ không đối tượng nào là nữ phạm phải tội này. Vì vậy, để tránh trường hợp nếu bị cáo là nữ lại có thai do việc phạm tội này gây ra thì lúng túng không biết áp dụng vào điều khoản nào. Nếu cứ áp đặt giảm nhẹ theo Điểm l, Khoản 1, Điều 46 thì chẳng những không thuyết phục mà còn quá bất cập.

Vì vậy, tôi đề xuất trong đợt sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự lần này nên bổ sung, thay đổi Điều 115. Cụ thể là nên thêm một từ “nữ’ vào tội giao cấu với trẻ em và viết lại như sau: Tội giao cấu với trẻ em nữ.

Lg: Diệp Viên

  • Từ khóa
12988

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu