Thứ 6, 26/04/2024 13:58:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:46, 23/08/2016 GMT+7

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tình hình dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh

Thứ 3, 23/08/2016 | 08:46:00 1,676 lượt xem
BP - Ngày 22-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững tại Trường cao đẳng nghề Bình Phước và Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh). Tham gia đoàn giám sát còn có đại diện các ban của HĐND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

Đồng chí Trần Tuyết Minh phát biểu trong buổi làm việc tại Trường cao đẳng nghề Bình PhướcĐồng chí Trần Tuyết Minh phát biểu trong buổi làm việc tại Trường cao đẳng nghề Bình Phước

Tại Trường cao đẳng nghề Bình Phước, báo cáo với đoàn giám sát, Hiệu trưởng Đoàn Thế Nam cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trường đào tạo 14 lớp với 475 học viên, trong đó có 183 học viên bỏ học, số còn lại đều hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ. Về đào tạo nghề hệ dài hạn, sơ cấp, thường xuyên, năm 2011, trường đào tạo 14 lớp trung cấp nghề, 5 lớp văn hóa với 259 học sinh; năm 2012 đào tạo 2 lớp cao đẳng, 11 lớp trung cấp nghề, 4 lớp văn hóa và các lớp sơ cấp nghề, ngắn hạn với 2.283 học sinh; năm 2015 đào tạo 14 lớp trung cấp nghề, 4 lớp văn hóa và các lớp sơ cấp nghề, ngắn hạn với 2.304 học sinh. Theo đánh giá của đơn vị, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm trên 95%, số còn lại học lên cao hơn. Để thu hút đông học sinh vào trường và nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đề nghị các cấp, các ngành đầu tư thay thế trang thiết bị dạy học, nhất là các môn thực hành kỹ thuật cao như công nghệ ôtô, chế tạo máy; xây dựng khu vui chơi giải trí, giao thông; ban hành quy định về phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, THCS...

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuyết Minh đề nghị trường đẩy mạnh việc chuyển đổi mục tiêu đào tạo, thực hiện đào tạo hệ và đa ngành nghề; đào tạo phải gắn với thị trường, nguồn lao động tại chỗ; chủ động tìm kiếm đầu vào bằng cách tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, quảng bá tại các trường học phổ thông; chủ động liên kết phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo và giới thiệu, giải quyết việc làm; quan tâm hơn nữa đến chất lượng và số lượng đào tạo; tiếp tục thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án 1279 của UBND tỉnh; cần có giải pháp khắc phục cơ sở vật chất, nhất là khu vực ký túc xá để kịp đón năm học mới...

Buổi chiều, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã báo cáo với đoàn giám sát: Từ năm 2011-2015, trung tâm tiếp nhận 2.532 hồ sơ đăng ký học nghề ngắn hạn theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó đã đào tạo được 78 lớp cho 2.282 hội viên nông dân (chủ yếu là các nghề nông nghiệp), tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.820 học viên, học viên có việc làm sau đào tạo đạt 80% với mức lương từ 4,5-7 triệu đồng/tháng. Từ nay đến năm 2020, trung tâm phấn đấu đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 2.500 lao động nông thôn; liên kết đào tạo từ 3-5 lớp trung cấp, cao đẳng, nghề, đại học. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo khoảng 80%...

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuyết Minh đề nghị trung tâm chú trọng chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm; có giải pháp tăng số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo; liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để mở rộng quy mô đào tạo; tìm hiểu thế mạnh và nhu cầu ngành nghề địa phương để đổi mới đào tạo, mở rộng và phát triển các ngành nghề mới, trong đó cần phát triển một số ngành nghề thủ công; tư vấn, hướng dẫn nông dân về tầm nhìn, sản xuất gắn với thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
16364

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu