Thứ 3, 19/03/2024 10:35:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:46, 18/12/2014 GMT+7

70 NĂM QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG

Thắng lợi của chiến dịch tiến công tổng hợp chống phá bình định ở khu 8, đồng bằng Nam Bộ

Thứ 5, 18/12/2014 | 07:46:00 3,266 lượt xem
BPO - Tại vùng đồng bằng Nam Bộ khu 8, ngày 10-6-1972, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công tổng hợp chống phá bình định ở Khu 8, nhằm phá vỡ một mảng trong hệ thống kìm kẹp của địch, thúc đẩy phong trào tiến công và nổi dậy của nhân dân.

Ngay từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1972, để phối hợp với chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông, Bộ tư lệnh Quân khu 8 đã mở đợt hoạt động tạo thế nhằm kiềm chế địch ở khu 8 và đưa chủ lực xuống đồng bằng. Sau khi đánh Bình Long, Bộ tư lệnh điều Sư đoàn 5 và Đại đội 30B về khu 8 để mở chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá bình định, khu vực phía từ nam-bắc đường số 4 thuộc các địa bàn: Mỹ Tho, Kiến Phong, Kiến Tường, Gò Công, Bến Tre nhằm phá vỡ bộ máy kìm kẹp bình định của địch, giải phóng một số quận lỵ, chi khu, một phần địa bàn chiến lược quan trọng, cắt đứt đường số 4 nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, góp phần tạo chuyển biến trên chiến trường toàn miền Nam. Bộ tư lệnh Miền trực tiếp tổ chức chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, thành lập Bộ tư lệnh do đồng chí Hoàng Văn Thái (Mười Khang) Phó bí thư Trung ương Cục, Tư lệnh Miền – Tư lệnh kiêm chính ủy chiến dịch; đồng chí Lê Văn Tưởng (Hai Lê), Ủy viên Quân ủy Miền, Phó chính ủy chiến dịch. Từng khu vực mở mảng ta thành lập ban chỉ đạo gồm một đồng chí Thường vụ tỉnh ủy và 2 hoặc 3 đồng chí huyện ủy viên đi cùng 1 trung đoàn bộ binh. Đây là địa bàn quan trọng nên địch bố trí 1 sư đoàn, 2 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn thiết giáp, xây dựng ba tuyến phòng thủ: tuyến biên giới, tuyến trung tâm đồng bằng Đồng Tháp Mười và tuyến đường số 4, để tổ chức phòng giữ.

Bộ đội địa phương tỉnh Sóc Trăng và du kích phối hợp trinh sát, tiếp cận mục tiêu. Ảnh tư liệu.

Về ta, với ý định đột phá tuyến phòng thủ biên giới của địch, đánh thông hành lang đưa chủ lực Miền thọc qua tuyến trung gian xuống cắt đường số 4; diệt một số bộ phận địch ở các chi khu, tiểu khu đập vỡ hệ thống đồn bốt, phá tan thế kìm kẹp của địch; kết hợp tác chiến của ba thứ quân, kết hợp ba mũi giáp công, phát động quần chúng nổi dậy mở mảng, mở vùng giải phóng, giành phần lớn nhân dân. Phương thức tác chiến chung của chiến dịch là ba mũi giáp công nên việc tổ chức lực lượng cũng được chia thành ba lực lượng của ba mũi. Mũi quân sự do chủ lực Miền và Quân khu đảm nhiệm là chủ yếu, có sự tham gia của các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện để tiên hành đấu tranh vũ trang. Mũi chính trị lấy các đoàn thể quần chúng làm nòng cốt, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy, tiến công địch bằng ba mũi ở cơ sở, đấu tranh chính trị trực tiếp với địch, diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ là chính, đấu tranh chống địch hành quân càn quét, chống phá bình định, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia bao vây, bức hàng đồn bốt, phá khu đồn, phá ấp chiến lược, góp sức người phục vụ chiến đấu và vận động thanh niên nhập ngũ tham gia lực lượng vũ trang. Mũi binh vận vận động binh lính địch, gọi hàng, khai thác tin tức, quản lý tù binh, kêu gọi lôi kéo chồng con, anh em là binh sĩ hoặc cảnh sát ngụy bỏ ngũ, làm binh biến, hoặc làm nội ứng cho quân ta chiếm đồn bốt, lấy vũ khí. Cả ba mũi hoạt động theo một kế hoạch thống nhất trong từng địa phương, từng trận chiến đấu, từng đợt hoạt động và cả chiến dịch. Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1972, các lực lượng chủ lực Quân khu 8 đã hoạt động độc lập tốt, kìm chân được Sư đoàn 7 ngụy ở vùng Dương Văn Dương và khu vực Nguyễn Văn Tiếp, tiêu hao tiêu diệt một số địch, gỡ được nhiều đồn bốt, giải phóng vùng 4 Kiến Tường và tạo được nhiều lõm, tạo bàn đạp thuận lợi để triển khai lực lượng và chuẩn bị chiến dịch.

Chiến dịch chia làm ba đợt: Đợt 1, từ ngày 10 đến ngày 30-6-1972, chủ lực Miền đột phá tuyến phòng thủ biên giới, thọc sâu xuống vùng Kiến Tường. Chủ lực Quân khu 8 và lực lượng địa phương phối hợp tiến công, truy lùng địch để kiềm chế bằng cách mở mảng ở nam - bắc đường số 4, đánh thông hành lang tạo điều kiện cho chủ lực phát triển tiến công. Lực lượng vũ trang địa phương cùng đồng bào nổi dậy đánh phá bình định, mở mảng, mở vùng trong lòng địch. Ta đưa hai trung đoàn chủ lực xuống vùng ruột Đồng Tháp Mười, tạo thế mới cho chiến dịch. Kết quả, khi địch hành quân giải tỏa, ta diệt được 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 8 tiểu đoàn và liên đoàn biệt động. Về mở mảng nam-bắc lộ 4, ta diệt và bức hàng bức rút 25 đồn, giải phóng hoàn toàn 25 xã, 26.000 dân, phá kìm, bung về ruộng vườn sản xuất, khôi phục chiến tranh du kích và phong trào tiến công ba mũi của quần chúng.

Đợt 2, từ ngày 3 đến ngày 31-7 ta tiếp tục thu hút, kiềm chân, tiêu diệt địch ở tuyến biên giới, phát huy vai trò của chủ lực Miền ở đồng bằng, tiến công tổng hợp mở mảng, mở vùng nam - bắc đường 4. Tuy nhiên, ta chưa có đòn tiêu diệt lớn làm thối động mạnh thế chiến trường, tuy nhiên diện nổi dậy còn hẹp, công tác binh vận yếu. Kết quả, ta tiêu diệt được 7 tiểu đoàn và liên đội, 15 đại đội chủ lực và bảo an, đánh thiệt hại nặng 13 tiểu đoàn và biên đội. Ta gỡ được 63 đồn (khởi nghĩa 2, diệt 16, bức rút 45), giải phóng 23 xã, 10 vạn dân. Ta  mở thêm được số lõm căn cứ mới, xây dựng thêm nhiều lực lượng chính trị và vũ trang, phong trào nổi dậy có bước phát triển mới.

Đợt 3, từ ngày 6 tháng 8 đến ngày 10 tháng 9 ta tiếp tục tiến công đánh phá “bình định”, mở mảng, mở vùng mới, đồng thời căng kéo địch ở Đường số 1 bên Cam-pu-chia. Phát hiện ta đưa chủ lực xuống đồng bằng và xác định hướng tiến công chủ yếu của ta là nam - bắc đường số 4, Quân đoàn 4 ngụy điều thêm Sư đoàn 9 và một trung đoàn thiết giáp về địa bàn chiến dịch, tăng cường lực lượng bảo an các tỉnh lân cận về chi viện cho tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, tăng thêm mật độ B52 đánh phá ác liệt nhiều nơi. Chúng mở cuộc hành quân cấp quân đoàn đánh phá vùng mới giải phóng, ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta, lấn chiếm lại kênh Nguyễn Văn Tiếp và một số vùng khác, tăng cường  bảo vệ đường số 4. Chúng mở cuộc hành quân giải tỏa đường số 1, chiếm lại khu xung yếu. Ta phản công liên tục. Trên đường số 4 ta cắt giao thông trên hai đoạn Vưng Mai - Cai Lậy và Cại Lậy - An Hữu, đánh tàu trên sông tiền, sông Hàm Luông, Chợ Gạo, đánh các hậu cứ kho tàng của địch. Quân địch không ngăn chặn được ta tiến công đường số 4, mở vùng, mở mảng vào sâu vùng địch kiểm soát. Sức phản kích của Quân đoàn 4 địch suy yếu, tinh thần quân ngụy sút kém. Bộ máy kìm kẹp của ở vùng Bến Tre, Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục bị lỏng rã, suy yếu. Kết quả, ta tiêu diệt 6 tiểu đoàn, 13 đại đội, đánh thiệt hại nặng 18 tiểu đoàn (trong đó có 10 tiểu đoàn Lon Non); đánh tiệt hại nặng 4 trung đoàn ngụy quân Sài Gòn, tiêu diệt bức hàng, bức rút hàng trăm đồn bốt, giải phóng 4 xã, nhiều ấp. Sau 90 ngày đêm tiến công và nổi dậy liên tục (từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 10 tháng 9) chiến dịch tiến công tổng hợp (TCTH) đánh phá bình định vùng đồng bằng Nam Bộ khu 8 kết thúc thắng lợi.

Kết quả toàn chiến dịch ta đã tiêu diệt được 34.000 tên địch, gồm 16 tiểu đoàn và liên đội, 49 đại đội, 22 trung đội, đánh quỵ Trung đoàn 15, Sư đoàn 9, Liên đoàn 41 biệt động và chiến đoàn A Bảo An Bến Tre. Bức hàng, bức rút 356 đồn bốt (trong đó diệt 110 đồn, bức hàng 11, khởi nghĩa 4, bức rút 231), đánh thiệt hại nặng địch ở chi khu Long Khốt, Vĩnh Kim, yếu khu Ba Dừa. Giải phóng 27 xã, 228 ấp và 240.000 dân. Phá 126 xe M113, đánh chìm 73 tàu, phá 37 khẩu pháo, 20 kho, thu 3000 súng.

Thắng lợi của chiến dịch tiến công tổng hợp chống phá bình định là một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự và nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó kết hợp chặt chẽ quy luật của chiến tranh cách mạng và quy luật của khởi nghĩa vũ trang, mũi tiến công quân sự và mũi tiến công chính trị. Đặc biệt là đấu tranh chính trị và binh vận thu được thắng lớn trên chiến trường Mỹ Tho. Bộ đội chủ lực Miền và Quân khu tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm tác chiến ở địa bàn đông dân trong chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá bình định. Các tỉnh khu 8 có bước phát triển mới về thế và lực, làm thay đổi quan trọng cục diện chiến trường quân khu cho đến khi ngừng bắn theo hiệp định Pa-ri.

Chiến dịch tiến công tổng hợp là một phương thức tác chiến cơ bản để đánh phá bình định, mở mảng, mở vùng, giành dân, giành quyền làm chủ nông thôn, nhất là nông thôn đồng bằng, trong vùng địch tạm chiếm. Chiến dịch tiến công tổng hợp là sự phát triển cao về loại hình, nghệ thuật chiến dịch trong chuẩn bị và thực hành chiến dịch của quân và dân đồng bằng Nam Bộ. Nét nổi bật của nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự mạnh mẽ với nổi dậy rộng khắp của đông đảo quần chúng trên toàn địa bàn chiến dịch; là sự phát triển cao của trình độ tổ chức chỉ huy điều khiển cả lực lượng chính trị lẫn lực lượng vũ trang và binh vận từ cơ sở đến địa phương và toàn chiến dịch; là nghệ thuật phối hợp chặt chẽ giữ đòn và hướng tiêu diệt chủ lực địch với hướng và đòn đánh phá bình định; là nghệ thuật phát huy cao độ các lực lượng của hai chân, ba mũi, tạo thành sức mạnh tổng hợp rất lớn bảo đảm liên tục tiến công và nổi dậy, vừa ra sức tiến công và nổi dậy vừa xây dựng lực lượng để bảo đảm tiến công, nổi dậy ngày càng mạng mẽ, rộng khắp, giành thắng lợi tổng hợp ngày càng cao cho chiến dịch. Chiến dịch tiến công tổng hợp là một loại hình đặc thù của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nó xuất phát từ sức mạnh tinh thần trong học thuyết quân sự Việt Nam.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
12275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu