Thứ 5, 02/05/2024 04:52:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:13, 06/04/2013 GMT+7

10 năm cùng người nghèo “làm kinh tế”

Thứ 7, 06/04/2013 | 06:13:00 145 lượt xem

10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực sự là điểm tựa vững chắc của hàng ngàn hộ nghèo trong tỉnh, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

CHO VAY TÍN CHẤP: TÍN DỤNG NHỎ, HIỆU QUẢ LỚN

Chị Nguyễn Thị Cam ở ấp 4, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) chia sẻ: Gia đình tôi có 9 sào đất của cha mẹ cho khi vợ chồng ra riêng, nhưng vốn đầu tư sản xuất không có. Năm 2002, tôi được hội phụ nữ xã xét cho vay 7 triệu đồng. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình mừng lắm, nhưng cũng lo, vì “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Được cán bộ ngân hàng, Hội phụ nữ xã hướng dẫn, tôi nuôi 3 con heo nái để giống. Vợ chồng tôi làm thuê để có tiền chăm sóc heo giống, trả lãi ngân hàng và nuôi các con ăn học. Sau đó, tôi được ngân hàng cho vay tiếp từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Tôi đầu tư đàn heo, có thời điểm lên đến 40 con heo giống. Nuôi heo có lời, tôi đầu tư giống, phân bón để trồng điều... Đến nay gia đình tôi đã có 1,5 ha điều đang cho thu hoạch.

Cán bộ NHCSXH tỉnh hướng dẫn thủ tục cho hộ nghèo vay vốn

Chị Cam xúc động: Hình thức, thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay dài mà không cần thế chấp tài sản, NHCSXH đã giúp nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo. Sử dụng vốn hiệu quả, sinh lời nhanh, năm 2004, chị Cam được bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn ấp 4. Hiện tại, tổ vay vốn có 48 thành viên, với tổng dư nợ hơn 1 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đến nhà chị Na Thị Phiện (dân tộc Tày), căn nhà tình nghĩa được xây dựng ngay tại khu dân cư, bên cạnh 1 ha cao su sắp cho thu hoạch. Chị Phiện kể: Gia đình tôi ở tận dưới bàu, xa khu dân cư, chị Cam dẫn cán bộ ngân hàng xuống nhà tôi thẩm định đúng vào hôm trời mưa. Nhà chỉ có mấy tấm tôn và ván cũ, quây tạm buồng để ngủ, xung quanh không vách che, trơ mấy cây cột, mọi người đứng ở giữa nhà nhưng vẫn bị ướt hết. Nhưng chị Cam và cán bộ ngân hàng cho rằng gia đình tôi quá nghèo, cần phải có vốn làm ăn thì mới mong thoát nghèo. Được vay 7 triệu đồng, tôi nuôi heo nái, nuôi gà, cộng với làm thuê... Sau đó, tôi được nhà nước cấp 1 ha đất sản xuất. Nhờ chịu khó và tiết kiệm, gia đình tôi có vốn để trồng 1 ha cao su, nay đã được 4 năm tuổi. 

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, ở ấp 4 đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Chị Nguyễn Thị Thắm được vay vốn giải quyết việc làm để ổn định kinh tế (chồng chị mất sớm), cho biết: “Nếu không có NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm và vay vốn sinh viên thì trong mơ tôi cũng không dám nghĩ đến sẽ lo đủ cho 4 đứa con học đại học như bây giờ”.

CÙNG LÀM GIÀU...

Bà Nguyễn Thị Thu (tổ 7, ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long) cho biết: “Vì đông con nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Năm 2008, thông qua Hội nông dân xã, tôi được bình xét cho vay 7 triệu đồng từ vốn xóa đói giảm nghèo, thời hạn cho vay 3 năm. Nhờ sự hướng dẫn của Hội nông dân và cán bộ khuyến nông xã, tôi nuôi bò sinh sản và trồng hoa màu, cuộc sống đã ổn định hơn trước. Năm 2009, các con vào đại học, chúng tôi được vay hỗ trợ học sinh, sinh viên với số tiền 65,8 triệu đồng. NHCSXH hỗ trợ nguồn vốn 8 triệu đồng để đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay thêm 7 triệu đồng để mở rộng phương án sản xuất chăn nuôi con giống. Tổng số tiền gia đình tôi được vay vốn của NHCSXH là 87,8 triệu đồng. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, gia đình tôi đã trả được những khoản nợ đúng hạn quy định và vươn lên hộ khá.

Ông Trần Văn Đức (thôn Hưng Lập, xã Phước Tín, thị xã Phước Long) kể lại: Gia đình tôi từ Nam Định vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1986. Dù làm đủ nghề nhưng chúng tôi chỉ sang nhượng được một mảnh đất nhỏ cùng một căn nhà tạm, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2007, con gái tôi đậu đại học, cả nhà chắt chiu vẫn không đủ tiền cho con ăn học. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ sinh viên, 3 đứa con của tôi đều được học đại học. Đến nay, gia đình tôi đã vay 89,2 triệu đồng từ NHCSXH; trong đó, 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư chăm sóc vườn điều và cao su; 59,2 triệu đồng vốn vay cho 3 đứa con học tập. Từ một hộ nghèo, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nguồn vốn vay của NHCSXH như một “cú hích” giúp gia đình tôi từng bước thoát nghèo, vươn lên khá giả. Hiện tại, gia đình tôi có nguồn thu ổn định từ 1 ha điều và 1 ha cao su, 2 con đã ra trường có việc làm ổn định.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN VAY

NHCSXH tỉnh được thành lập năm 2003. Với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, dư nợ đến cuối năm 2012 của NHCSXH tỉnh đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với lúc mới thành lập; với 177.424 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
NHCSXH góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12% năm 2002 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 5,6% vào cuối năm 2012 (theo tiêu chí mới), bình quân mỗi năm có 2.500 hộ thoát nghèo.
Hiện nay NHCSXH đang triển khai 9 chương trình cho vay ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ: cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thương nhân miền núi và cho vay theo chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường.

Là tỉnh thuần nông, một bộ phận dân cư còn nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ nghèo khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng thương mại vì họ không có tài sản bảo đảm nợ vay. NHCSXH ra đời là kênh dẫn vốn tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

NHCSXH đã ký kết ủy thác cho vay hộ nghèo qua 4 tổ chức, đoàn thể là hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Các hội, đoàn thể thực hiện lồng ghép chương trình, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân phát triển sản xuất và thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ưu đãi lớn nhất là việc một hộ có thể vay vốn của nhiều chương trình. Dù mức vay tối đa mỗi chương trình có thể chưa lớn, nhưng gộp nhiều chương trình mỗi hộ lại có đủ nguồn lực để phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, 10 năm qua đã có 46 ngàn hộ cải thiện được cuộc sống; trong đó hơn 18 ngàn hộ đã thoát nghèo; giải quyết việc làm cho gần 80 ngàn lao động; tạo điều kiện cho gần 29 ngàn học sinh, sinh viên vay vốn chi phí học tập; 66.677 hộ tại vùng nông thôn xây dựng nhà vệ sinh và công trình nước sạch hợp chuẩn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững...

NHCSXH đã và đang nỗ lực mở rộng mạng lưới tổ vay vốn đến các thôn, ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp hàng ngàn hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế để làm giàu.             

Tuyết Ly

  • Từ khóa
36430

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu