Thứ 3, 30/04/2024 22:44:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:44, 20/06/2020 GMT+7

Dân số và Sức khỏe

Giúp trẻ khuyết tật cải thiện sức khỏe nhờ vật lý trị liệu

Thanh Nga
Thứ 7, 20/06/2020 | 14:44:00 1,937 lượt xem
BPO - Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh điều trị cho cả người lớn và trẻ em. Đối với phòng tập dành cho trẻ, khoa thường có từ 13-16 trẻ đến tập hằng ngày. Mỗi trẻ một căn bệnh khác nhau, nhưng thông qua các bài tập vật lý trị liệu, mong muốn của cha mẹ cũng như các kỹ thuật viên là sớm khắc phục khiếm khuyết cơ thể của trẻ, rèn luyện thể lực, trí tuệ… để trẻ có cơ hội phát triển bình thường.

Kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thực hiện bài tập cho trẻ đến điều trị

Hơn 10 năm hoạt động, Khoa PHCN đã trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh, không chỉ khu vực thành phố mà còn ở các huyện, thị xã trong tỉnh.

Chị Đinh Thị Hạnh ở xã Thanh Lương, TX. Bình Long có con bị vẹo cổ do thói quen. Sau khi đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), bác sĩ khuyên gia đình nên cho bé đi tập vật lý trị liệu. Sau khi nghiên cứu và được giới thiệu của người quen, từ giữa tháng 5-2020, chị quyết định “nội trú” tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh 1 tháng để bé có thể điều trị hiệu quả và nhanh nhất. Tại bệnh viện, buổi sáng chị đưa con sang phòng tập, sau đó các kỹ thuật viên sẽ lựa chọn bài tập vật lý trị liệu phù hợp để điều trị cho bé. Chị Hạnh cho biết: Mỗi ngày, bé có 30 phút để các cô tập và rèn luyện. Vì ở nội trú nên khi nào rảnh, tôi đưa bé đi rèn luyện thêm. Đến nay, cổ của bé đã phục hồi 60%.

Bé Đinh Thành Trung ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú gần 2 tuổi. Bị chấn thương sau một tai nạn, bé Trung bị xuất huyết não và quá trình điều trị đã để lại biến chứng. Sau nhiều đợt phẫu thuật, từ một đứa trẻ trong giai đoạn tập đi, nói bình thường, Trung bị liệt và chỉ nằm một chỗ. Vì nằm quá lâu nên các khớp tay, khớp chân của Trung bị khô, co rút lại chứ không thể duỗi ra như bình thường. Thương con, chị Nguyễn Thị Hiệp tìm hiểu, đi khắp nơi để lo cho con và phòng tập PHCN của Bệnh viện Y học cổ truyền là địa chỉ tin cậy mà chị tìm đến. Đều đặn từ sáng thứ 2 đến thứ 6, bằng xe máy anh chị đưa con hơn 20km đến bệnh viện để các kỹ thuật viên tập cho con. Đến nay, bàn tay trái, chân trái của Trung đã duỗi ra được, bé biết bắt và nắm đồ chơi. Chị Hiệp cho biết: Sau khi mổ xong, vì 2 điểm xương trên đầu còn lõm chưa liền và phải tuyệt đối không được va chạm nên gia đình không thể cho bé đi tập. Ban đầu gia đình chọn cách chăm sóc ở nhà nhưng không thấy hiệu quả. Giờ đưa con lên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tập vật lý trị liệu, con phục hồi nhanh, đã biết nói ê a trở lại, tay chân cử động linh hoạt hơn, gia đình tôi mừng lắm.

Nuôi dưỡng trẻ nhỏ đã khó, đối với trẻ bị khuyết tật cần sự kiên trì và cố gắng của người chăm sóc, dạy bảo hơn rất nhiều. Để làm được điều này, ngoài chuyên môn thì kỹ thuật viên phải tự rèn mình, đặc biệt là sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Hiện phòng tập PHCN cho trẻ khuyết tật có 5 kỹ thuật viên, trong đó 1 người chính và 4 người phụ. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, chị Phan Thị Thanh Hà về Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh công tác từ năm 2012. Và cũng chừng ấy năm chị gắn bó với công việc kỹ thuật viên PHCN cho trẻ khuyết tật. Vì chuyên môn được đào tạo không phải chuyên ngành PHCN, khi được giao công việc này, chị Hà đã sắp xếp thời gian để đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Đại học Y Dược để rèn luyện và bổ sung kiến thức.

Phòng tập PHCN Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh rộng chừng hơn 30m2, đó là mái nhà chung của nhiều trẻ khuyết tật tìm đến. Tại đây, có em đã điều trị lâu năm, cũng có em ba mẹ đưa đến được 1-2 tuần. Thế nhưng mái nhà này là nơi cho những bậc làm ba, mẹ quyền hy vọng con mình sẽ điều trị sớm thành công, hoặc ít nhất phục hồi được phần nào để các em được hòa nhập cộng đồng và xã hội.

  • Từ khóa
59234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu