Thứ 3, 30/04/2024 21:48:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:19, 22/05/2015 GMT+7

Quy định về đặt tên doanh nghiệp và những bất cập

Thứ 6, 22/05/2015 | 10:19:00 2,979 lượt xem
BP - Ngày 1-10-2014, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (DN) phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thông tư này áp dụng với các tổ chức, cá nhân đăng ký DN và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và hiệu lực thi hành kể từ 25-11-2014.

Quy định mới, nhưng...

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên quy định về việc đặt tên mà vấn đề này đã được luật hóa tại Điều 32 trong Luật doanh nghiệp 2005 và tại Điều 14 trong Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN. Cụ thể, Điều 32 trong Luật DN năm 2005 có quy định về những điều cấm trong đặt tên DN như sau: Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Và tại Điều 14 của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP có quy định về những điều cấm trong đặt tên DN như sau: Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể. Quy định này được áp dụng kể từ ngày 1-1-2011... Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH SG Vina ở Khu công nghiệp Tân Thành, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.B

Và tại Khoản 5, Điều 12 của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP có quy định: Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn về việc đặt tên doanh nghiệp không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc và việc sử dụng tên danh nhân trong đặt tên doanh nghiệp. Như vậy, phải đợi đến hơn 4 năm sau đó, kể từ ngày Nghị Định số 43/2010/NĐ-CP được ban hành - ngày 15-4-2010, Bộ VH-TT&DL mới hoàn thành “sứ mệnh” được Chính phủ giao. Mặc dù Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL được ban hành đúng thẩm quyền và những nội dung hướng dẫn trong thông tư này không phải là mới, nhưng với chỉ vỏn vẹn có 5 điều song thông tư này đã thổi bùng lên những tranh luận về một số bất cập trong các quy định về cách đặt tên DN như thế nào cho đúng... vốn đang âm ỉ từ ngay sau khi Luật DN 2005 được ban hành.

Bất cập thứ nhất

Bất cập ở đây là Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL lại không hề đưa ra khái niệm hay quy định rằng những ai và như thế nào thì được gọi là danh nhân, là nhân vật lịch sử? Hay những địa danh nào là địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược? Hoặc những từ ngữ, ký hiệu nào mang ý nghĩa dung tục hoặc thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa... Trong khi đó, nội dung của thông tư này chỉ liệt kê những trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc... nên rất khó áp dụng và xác định trên thực tế. Cụ thể, tại khoản 1 và 2 trong Điều 2 của Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL có quy định rằng những trường hợp đặt tên DN sau đây vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc: Sử dụng tên trùng tên danh nhân (Khoản 1); ... sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ (Khoản 2).

Và nội dung của Điều 3 trong Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL cũng là những liệt kê các quy định về đặt tên DN vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc: Sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới; Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quy định của pháp luật. Như vậy, ở Điều 3 của thông tư này cũng không đưa ra được danh sách danh nhân, nhân vật lịch sử hay địa danh hoặc từ ngữ, ký hiệu như thế nào được coi là vi phạm để chủ DN và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có cơ sở đối chiếu và tuân thủ. Do đó, quy định này dễ gây ra sự lúng túng cho DN lẫn cơ quan quản lý. Cụ thể, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có thể bị từ chối tùy tiện vì lý do sử dụng tên danh nhân trong khi chưa có bất kỳ danh sách danh nhân nào để xác định.

Bất cập thứ hai

Tại Khoản 2, Điều 4 của thông tư này có quy định như sau: Thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Như vậy, với quy định này thì thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ có thể xử lý vi phạm khi “sự đã rồi”. Điều này cũng có nghĩa là sau khi DN đã được thành lập. Bởi vì, theo quy định của thông tư thì không có sự tham gia của cơ quan này trong quy trình đăng ký kinh doanh. Đồng thời, ngoài việc xử lý doanh nghiệp đã được thành lập và có tên vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc... thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn phải xử lý cả cơ quan đăng ký kinh doanh vì đã chấp thuận tên đăng ký của DN. Vì theo Điều 16 của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của DN theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.

Cũng theo những quy định của các văn bản pháp luật nêu trên, ở đây còn một vấn đề nữa được đặt ra là khi phát hiện trường hợp vi phạm thì chủ DN đã đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có bắt buộc phải đổi tên hay không? Vì Nghị định số 43/2010/NĐ-CP chỉ hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên DN trùng, tên gây nhầm lẫn tại điều 15, 16 và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên DN vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp tại Điều 17. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 14 của nghị định này có quy định như sau: Các doanh nghiệp đã đăng ký tên DN “trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc” không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Do đó, Điều 5 trong Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL không có tính khả thi.

Thanh Hải

  • Từ khóa
51559

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu