Thứ 2, 20/05/2024 16:38:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bóng đá 10:39, 05/11/2021 GMT+7

Đừng đòi hỏi U23 Việt Nam phải như “lứa” á quân tại Thường Châu

Nguyễn Tấn
Thứ 6, 05/11/2021 | 10:39:35 1,341 lượt xem
BPO - Sau khi nỗ lực hoàn thành mục tiêu giành 6 điểm tuyệt đối để tiến thẳng vào vòng chung kết U23 châu Á vào năm sau, U23 Việt Nam vẫn đón nhận không ít chỉ trích từ người hâm mộ khi thi đấu thiếu tính đột biến, sáng tạo. Thậm chí không ít người lấy lứa đàn anh đã giành á quân ở Thường Châu (Trung Quốc) cách đây 3 năm để so sánh với các cầu thủ hiện tại. Điều này xét trên mọi góc độ cũng hết sức bình thường, bởi tất cả người hâm mộ luôn kỳ vọng đội tuyển luôn chơi hay nhất, đạt kết quả mỹ mãn nhất nên luôn có sự so sánh. Thế nhưng…!

“Có bột mới gột nên hồ”

Qua 2 trận U23 Việt Nam đã thi đấu, tuy giành thắng lợi trước 2 đội bóng cửa dưới là Myanmar và Đài Loan (Trung Quốc) đều với tỷ số tối thiểu 1-0, không những chưa thỏa mãn với lối chơi của các cầu thủ mà không ít người hâm mộ cho rằng thầy Park cũng đã “hết phép”! Thầy Park chắc chắn vẫn là chính ông, một huấn luyện viên giỏi mà bóng đá Việt Nam may mắn lắm “trăm năm mới có một”. Tuy nhiên dù thầy Park có giỏi cách mấy thì với năng lực của cầu thủ Việt Nam, ông cũng không thể nào dẫn dắt học trò mình đánh bại Brazin hay Đức, Pháp… và đó là điều hiển nhiên!

Bóng đá Việt Nam không dễ lúc nào cũng có những tài năng như Quang Hải, Tuấn Anh, Công Phượng…(ảnh VFF)

Nhìn lại lực lượng lứa U23 Việt Nam hiện tại, chúng ta hoàn toàn không thấy một cầu thủ nào là bản sao của Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu hay Xuân Trường…; may lắm chỉ có Nguyễn Hai Long được xem là nhân tố có năng lực tiệm cận với các đàn anh cách đây 3 năm để chúng ta khơi gợi lại ký ức Thường Châu! Điều này cũng rất đỗi bình thường trong bóng đá khi chúng ta không thể đòi hỏi lúc nào nền bóng đá nước nhà cũng phải sản sinh ra những lứa cầu thủ kiệt xuất. Ngay cả những nền bóng đá hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Brazin cũng không đi khác với quy luật này, thành công chỉ có chu kỳ và không có một đội tuyển nào đứng mãi trên đỉnh vinh quang! 

Trở lại với bóng đá Việt Nam, nếu cách đây khoảng 30 năm về trước, chúng ta có một “thế hệ vàng” gồm các cầu thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… thì khoảng 10 năm sau đó chúng ta mới có lại được một lứa cầu thủ đẳng cấp khác là Văn Quyến, Quốc Vượng, Như Thành, Công Vinh, Minh Phương… Và cũng đúng bằng ấy thời gian là một thế hệ tài năng của hôm nay với những cái tên Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh…

Nói vậy để thấy bất cứ một nền bóng đá nào cũng đều có lúc thịnh lúc suy. Lúc thịnh sẽ được mọi người tung hô và danh hiệu thì tuôn chảy về phòng truyền thống, còn lúc suy họ cũng cần được người hâm mộ cảm thông và chấp nhận xem như đó là quy luật phát triển theo biểu đồ hình sin trong bóng đá! Và một điều cũng cần thấu hiểu để nhìn nhận thực tế hơn khi “chúng ta phát triển thì đối thủ cũng phát triển”, do vậy khi đòi hỏi đội tuyển phải “bách chiến, bách thắng” mà còn phải thắng đẹp ở mọi trận đấu thì chắc chắn là đòi hỏi quá khắt khe.

Phải thoát khỏi “cái bóng” của lứa đàn anh

Như đã đề cập, cứ mỗi lần ra sân thi đấu các cầu thủ lứa U23 Việt Nam hiện tại sẽ bị đặt dưới không ít “cặp kính lúp” của người hâm mộ để soi và chờ đợi họ phải thi đấu ấn tượng như “lứa” á quân tại Thường Châu. Chính áp lực này mà các cầu thủ U23 hiện nay thêm đeo chì vào chân mỗi khi xung trận. 

Các cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại luôn chơi bóng với áp lực tâm lý đè nặng bởi "cái bóng" quá lớn của lứa đàn anh (ảnh VFF)

Trong bóng đá hay bất cứ môn thể thao nào có tính đối kháng cao thì việc gánh áp lực tâm lý là điều tối kỵ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phong độ thi đấu. Thế nhưng, đáng tiếc là trong suốt hành trình của các cầu thủ U23 đã qua, rất dễ nhận thấy trận cầu nào các cầu thủ cũng đá dưới áp lực đó, bởi cái bóng quá lớn của lứa đàn anh. Cụ thể nhất trong 2 trận gặp Myanmar và Đài Loan (Trung Quốc), dù được đánh giá mạnh hơn nhưng rất vất vả thầy trò HLV Park Hang Seo mới có được chiến thắng tối thiểu. Ngay cả trong cách chơi bóng, do áp lực nên không ít cầu thủ của chúng ta đã thi đấu có phần thô bạo trước đối thủ. Đây là lối chơi chắc chắn không được mọi người ủng hộ và kỳ vọng.

Nhìn xa hơn thì hành trình của U23 Việt Nam vẫn còn rất dài phía trước, trong đó là mục tiêu lớn ở vòng chung kết U23 châu Á vào năm sau, kế đó là chiến dịch bảo vệ chiếc huy chương vàng SEA Games ngay trên sân nhà. 

Để có được thành công ở các sân chơi quan trọng sắp tới hay ít nhất là có thể trình diễn một lối chơi thuyết phục, đẹp mắt trước người hâm mộ, trước khi cải thiện mọi thứ về chuyên môn thì những cầu thủ Hai Long, Văn Toản, Thanh Bình, Việt Anh… phải thoát khỏi “cái bóng” của thế hệ đàn anh đi trước tại Thường Châu. Và để thoát khỏi áp lực này không chỉ là vấn đề nằm ở cầu thủ, ban huấn luyện mà còn ở chính người hâm mộ chúng ta. Bởi chính chúng ta luôn đặt lên vai lứa cầu thủ U23 hiện nay phải chơi hay, chơi đẹp và thành công như lứa Quang Hải, Công Phượng… Trong khi đó, những cầu thủ tài năng vốn là “hàng hiếm” mà phải nhiều năm bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra được!    

  • Từ khóa
132218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu