Chủ nhật, 28/04/2024 09:18:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thanh niên 04:56, 11/12/2023 GMT+7

Thanh niên hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Ngọc Quế
Thứ 2, 11/12/2023 | 04:56:26 3,917 lượt xem
BPO - Phát huy hiệu quả việc kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid-19, thời gian qua, các cấp bộ đoàn tỉnh Bình Phước đã tích cực, chủ động tìm đầu ra cho nhiều mô hình, sản phẩm của người dân và đoàn viên thanh niên (ĐVTN) địa phương. Trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, fanpage đoàn - hội địa phương, nhiều đơn vị đã đăng tải bài viết tìm đầu ra sản phẩm, qua đó giúp người dân tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.

Tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

Qua tìm hiểu, nắm thông tin mô hình nuôi dế của gia đình anh Nguyễn Đức Thanh ở khu phố 1 có số lượng dế chưa tiêu thụ được khi đã tới ngày xuất bán, Đoàn thanh niên phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành đã đăng tải bài viết giới thiệu trên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Bí thư Đoàn phường Hoàng Nguyễn Minh Hiếu cho biết: Từ bài đăng trên fanpage của Đoàn phường, nhiều ĐVTN đã lan tỏa, chia sẻ thông tin. Từ đó giới thiệu mô hình của anh Thanh đến nhiều đối tượng khách hàng.

Nuôi dế không phải là mô hình kinh tế mới. Thời gian gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ cao, nhiều người đã tìm hiểu và phát triển mô hình này. Với kinh nghiệm hơn 3 năm, anh Thanh nhận thấy nuôi dế mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, diện tích ít, dễ thu hồi vốn. Tuy nhiên, theo anh khó khăn là khi nhu cầu mua cao thì gia đình không đủ dế để cung cấp, ngược lại, khi dế đủ tuổi tới ngày xuất bán lại không có người mua. “Được Đoàn thanh niên phường Minh Thành kết nối, đăng tải bài viết trên mạng xã hội đã giúp tôi tiếp cận thêm nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến mua dế” - anh Thanh chia sẻ.

Bên cạnh kết nối, tiêu thụ nông sản cho người dân, Đoàn thanh niên xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú) còn hỗ trợ nhà vườn thu hoạch khi trái cây chín rộ

Hiện hộ anh Thanh có 8 chuồng nuôi dế, gồm dế trứng, dế sữa… Mỗi chuồng khi xuất bán sẽ đạt trọng lượng khoảng 15kg dế thương phẩm. Một chuồng dế đầu tư chỉ khoảng 500 ngàn đồng, nhưng sau hơn 1 tháng chăm sóc có thể thu hồi vốn và mang về lợi nhuận gấp 5 lần. Dế ngoài dùng làm thức ăn cho chim, cá còn được chế biến thành món ăn như dế chiên bột, dế rang, dế tẩm gia vị. Theo anh Thanh, dế dùng làm thực phẩm cho con người phải thực hiện cách ly thêm 2 ngày cho ăn mía, sau đó rửa nước muối loãng để làm sạch ruột và ngon thịt. Trung bình 3kg dế tươi mới được 1kg khô, do đó, giá dế khô rất cao.

Là một trong những hộ dân ở địa phương được anh Thanh hỗ trợ phát triển mô hình nuôi dế, anh Đỗ Đình Lực cho biết mô hình này không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, đầu ra là bài toán khó, nông dân cần tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư, tránh tình trạng cung lớn hơn cầu.

Tích cực, chủ động kết nối

Mang trên mình màu áo xanh thanh niên gắn với các hoạt động xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú đã tích cực, chủ động kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Dù mới triển khai thực hiện nhưng mô hình này đã giúp nhiều nông dân bán được các mặt hàng nông sản, sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Anh Đinh Lâm Vũ ở tổ 5, ấp Thuận Phú 2 chia sẻ: “Mô hình của Đoàn thanh niên xã rất hay, giúp người dân tiêu thụ nông sản khi tới mùa vụ. Không chỉ đăng bán các mặt hàng cho nông dân địa phương, Đoàn thanh niên xã còn hỗ trợ gia đình tôi thu hoạch sầu riêng”.

Bí thư Đoàn xã Thuận Phú Phạm Thị Thu cho biết: Với cách đăng bài trên các trang mạng xã hội, nhận đơn và giao hàng tận nơi, Đoàn thanh niên xã đã kịp thời hỗ trợ nông dân trên địa bàn tiêu thụ nông sản. Theo đó, khi có đơn đặt hàng, Đoàn xã sẽ chủ động tới nhà các hộ dân lấy sản phẩm giao cho khách. Việc giao hàng thường được ĐVTN thực hiện sau khi hoàn thành các công việc xã hội hoặc linh hoạt theo hình thức ai rảnh sẽ đăng ký nhận và giao hàng.

Năm 2023, đoàn thanh niên toàn tỉnh đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng chục tấn nông sản, sản phẩm cho người dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh

Là một trong những hộ nông dân được Đoàn thanh niên xã Thuận Phú hỗ trợ tiêu thụ bưởi da xanh, ông Trương Văn Chi ở ấp Bù Xăng cho hay, gia đình có khoảng 40 cây bưởi da xanh trồng năm thứ 9. Vườn bưởi cho thu trái quanh năm, có khi thương lái vào tận vườn mua hoặc gia đình để bán cho người dân quanh vùng. Tuy nhiên, có những lúc bưởi rộ và tới kỳ thu hoạch nhưng thị trường đầu ra khó, được Đoàn thanh niên xã kết nối bán bưởi trên mạng xã hội đã giúp gia đình bán được nhiều bưởi cho khách hàng trong và ngoài xã.

Không chỉ trồng bưởi, hộ ông Chi còn trồng các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, măng cụt, mít… Vì thế, sự kết nối của đoàn thanh niên rất thiết thực, giúp các loại trái cây được trồng theo hướng hữu cơ của gia đình ông đến với người tiêu dùng nhiều hơn.

Không chỉ hướng ÐVTN ở địa phương trồng và chăm sóc vườn cây theo hình thức hữu cơ, Ðoàn thanh niên xã còn tích cực giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm sạch, chất lượng và có giá trị dinh dưỡng cao của nông dân địa phương. Kết nối và sẻ chia là phong trào thiết thực mà Ðoàn thanh niên xã Thuận Phú đã và đang lan tỏa trong các cơ sở đoàn - hội tại địa phương.

Chị PHẠM THỊ THU, Bí thư Ðoàn xã Thuận Phú, huyện Ðồng Phú


  • Từ khóa
183811

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu