Thứ 5, 09/05/2024 20:55:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 09:44, 24/07/2023 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Côn Đảo linh thiêng

Thứ 2, 24/07/2023 | 09:44:38 1,091 lượt xem
BPO - Tháng Bảy về, Côn Đảo lại đón thêm nhiều người từ khắp mọi miền đất nước về tham quan, sinh hoạt, học tập. Đây cũng là dịp các cựu tù Côn Đảo hội tụ về để tưởng nhớ đồng đội năm xưa đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ Việt Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý, Côn Đảo hay còn gọi là Côn Lôn được biết đến là một trong những hòn đảo xinh đẹp nhất Việt Nam, một địa danh với nhiều dấu tích của đau thương, bí ẩn và huyền thoại khi có quá khứ hơn 100 năm là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất và khắc nghiệt nhất ở Đông Dương. Hàng vạn tù nhân chính trị đấu tranh cho quyền độc lập, tự do và thống nhất Việt Nam bị giam giữ và lưu đày nơi đây.

Toàn cảnh Cảng tàu khách Côn Đảo nhìn từ trên cao - Ảnh Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ cổng đi vào, khu vườn đá được xây dựng trên ý tưởng sự sụp đổ của mảng tường nhà tù. Khu vườn đá có tượng “Thủy chung” (trước đây gọi là tượng Trao áo) cao 4,5m thể hiện lòng trung thành, chung thủy với cách mạng của đồng chí, đồng đội và những chiến sĩ yêu nước, chết còn cởi áo trao nhau. Tượng “Hy vọng” cao 4,5m mô phỏng tinh thần lạc quan, tin vào thắng lợi, vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Trung tâm vườn đá là phù điêu “Bất khuất” cao 3,5m, dài 12,5m, một bên khắc họa hình ảnh về cuộc sống của tù nhân Côn Đảo nhằm tố cáo chế độ nhà tù của thế lực thực dân xâm lược và một bên thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cộng sản yêu nước từng bị giam cầm và đày đọa tại “địa ngục trần gian Côn Đảo”.

Ngày 27-8-1976, khi thăm lại Nhà tù Côn Đảo, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dặn: “...Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn với các thế hệ mai sau. Các đồng chí hãy ra sức phấn đấu xây dựng Côn Đảo chẳng những trở thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh về quốc phòng mà còn phải gìn giữ những di tích lịch sử ấy trở thành tài sản của nhân dân, một thứ tài sản vô giá lưu truyền cho đến nghìn đời con cháu mai sau...”.


Gần với Nhà tù Côn Đảo là Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là một di tích lịch sử đặc biệt. Nghĩa trang Hàng Dương với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta. Đó là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú kiên trung của cách mạng đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đến Nghĩa trang Hàng Dương không thể không viếng thăm những ngôi mộ đặc biệt của những anh hùng, liệt sĩ đã đi vào sử sách của dân tộc, đó là mộ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (1900-1943), một chí sĩ yêu nước ở đầu thế kỷ XX; mộ của Ủy viên Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Lê Hồng Phong (1902-1942)… và đặc biệt là mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Người dân Côn Đảo gọi nữ anh hùng bằng cái tên đầy thân thương và kính trọng: Cô Sáu. Cô Võ Thị Sáu (1933-1952) tham gia vào các hoạt động cách mạng bí mật ở địa phương từ năm 12 tuổi. Năm 1950, cô bị địch bắt và bị Tòa án binh của Pháp kết án tử hình vào tháng 4-1951. Cô bị lén lút xử bắn vào 7 giờ sáng ngày 13-1-1952 tại Côn Đảo. Bọn cai ngục lấp xác cô trong bãi cát ở Hàng Dương.

Có lẽ không ở đâu lại đặc biệt như ở nơi này, nghĩa trang lại là địa điểm du lịch tâm linh mà bất cứ du khách nào đặt chân đến Côn Đảo đều muốn thăm và đặc biệt hơn Nghĩa trang Hàng Dương luôn đông khách viếng từ buổi tối đến đêm khuya.

Thanh Trà (tổng hợp)

  • Từ khóa
173466

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu