Thứ 4, 15/05/2024 13:34:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 08:36, 03/04/2023 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Huyền thoại Vũng Rô

Thứ 2, 03/04/2023 | 08:36:31 1,149 lượt xem
BPO - Thời chiến tranh, Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) được chọn là một trong những bến tiếp nhận những con tàu không số chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Vũng Rô đi vào lịch sử như một huyền thoại, kẻ địch sửng sốt gọi là “Sự kiện Vũng Rô” vào tháng 12-1965. Năm 1998, Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Vịnh Vũng Rô có diện tích hơn 16km² mặt nước, được bao bọc bởi 3 dãy núi cao Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 phía Bắc, Đông và Tây. Phía Nam vịnh là Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên từ đất liền của Tổ quốc và có ngọn hải đăng Mũi Điện nổi tiếng. Được che chắn bởi các dãy núi nên không có sóng lớn, gió mạnh tràn vào nơi đây. Cả một vùng nước bao la chỉ có những con sóng nhỏ lăn tăn vờn đuổi nhau. Với nước sâu và êm sóng, Vũng Rô rất thuận tiện cho các tàu cập bến “ăn hàng”, trả hàng và tránh bão. Trên các dãy núi quanh vịnh có nhiều hang động, thuận lợi cho việc trú ngụ hay cất giấu vũ khí, lương thực. Theo địa chí Phú Yên, Vũng Rô có 12 bãi nhỏ gồm: Bãi Lách, bãi Mù U, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau và bãi Nhãn.

Một góc vịnh Vũng Rô nhìn từ trên cao

Vũng Rô trở thành huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu không số trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đầu năm 1964, quân và dân Phú Yên đã giành nhiều thắng lợi lớn trên chiến trường. Mặc dù quân và dân ở đây đã tự lực cánh sinh bằng cách lấy vũ khí của địch đánh địch, tự chế tạo vũ khí và thời điểm đó có nhiều người con ưu tú xứ Nẫu (tên gọi chung cho 2 vùng đất Bình Định và Phú Yên) tham gia bộ đội, du kích, cùng với đó, địch cũng mở nhiều đợt tấn công để đánh chiếm vùng tự do… Chính vì vậy vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu của Phú Yên và các tỉnh lân cận vô cùng thiếu thốn. Chiến trường này đã đề nghị miền Bắc chi viện vũ khí. Lúc này tuyến chi viện ở Trường Sơn đã mở đến Quảng Nam nhưng Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk vẫn bị chia cắt nên mỗi lần đi nhận vũ khí phải mất từ 1-3 tháng và vận chuyển không được nhiều, thường xảy ra hy sinh, tổn thất lớn. Vì thế, việc lựa chọn vận chuyển bằng đường biển là chiến lược phù hợp với thực tế bấy giờ.

Sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương về tiếp nhận vũ khí, tháng 7-1964, Ban Thường vụ liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam đã họp để chọn các phương án tiếp nhận vũ khí. Hàng loạt các vị trí dọc 189km bờ biển của tỉnh Phú Yên đều được đưa ra xem xét và cân nhắc. Có 2 phương án, một là chọn vịnh Xuân Đài - sông Cầu. Đây là vịnh có địa thế tốt, nước sâu, tàu ra vào, trú ẩn thuận tiện. Các xã xung quanh có phong trào cách mạng khá, ta làm chủ liên hoàn. Nhưng vịnh có nhược điểm là hành lang phía sau hẹp, do vậy khi tiếp nhận và vận chuyển một lượng hàng hóa lớn sẽ dễ bị lộ… Phương án thứ 2 là vịnh Vũng Rô. Đây có thế mạnh nước sâu, nhiều hang hốc đá thuận tiện cho cất giấu hàng hóa và vận chuyển về phía sau. Sau khi đánh giá, phân tích các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Vũng Rô đã được quyết định lựa chọn là nơi tập kết hàng hóa của những con tàu không số huyền thoại.

Vịnh Vũng Rô không chỉ được biết đến là di tích lịch sử huyền thoại trong kháng chiến mà còn là “miền đất hứa” cho du khách thích yên tĩnh, khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ. Là kiệt tác của thiên nhiên, Vũng Rô hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của núi rừng, biển đảo, chốn bồng lai tiên cảnh mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, làm mê lòng biết bao du khách.

Thanh Trà (t/h)

  • Từ khóa
164552

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu