Thứ 4, 15/05/2024 19:01:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 08:44, 20/03/2023 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Điểm tựa giữa trùng khơi

Thứ 2, 20/03/2023 | 08:44:18 519 lượt xem
BPO - Với hệ thống 21 đảo, điểm đảo và 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa, sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên xưởng sửa chữa, âu tàu, trạm nghỉ… đã trở thành chỗ dựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khích ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, với mong muốn mỗi tàu đánh bắt xa bờ như một “cột mốc” chủ quyền giữa biển khơi. Theo lãnh đạo UBND huyện Trường Sa, không chỉ chăm lo tốt cho quân và dân của huyện, Trường Sa còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân cả nước vươn khơi bám biển dài ngày.

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại âu tàu đảo Sinh Tồn

Huyện đảo hiện có 8 bệnh xá quân y và 1 trung tâm y tế được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, có thể giải quyết những ca bệnh cho quân và dân của huyện cũng như bà con ngư dân gặp nạn trên biển. Trong đó, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có nhiều trang thiết bị hiện đại, có hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối với Bệnh viện Quân y 175, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Mọi ca bệnh, trường hợp tai nạn lao động trên biển của ngư dân đều được hỗ trợ đưa vào đảo gần nhất để sơ, cấp cứu ngay...

Bên cạnh đó, Trường Sa hiện đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp mọi dịch vụ để ngư dân vươn khơi, bám biển và là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão. Hiện huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu gồm: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân vào mọi thời điểm. Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000- 2.000 tấn ra vào, neo đậu tránh bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ các tàu cá như: 6 bể chứa nước ngọt dung tích 900m3; kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá/ngày, kho đông có thể đáp ứng được 5 tấn hải sản/ngày; hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân. Nhiên liệu, lương thực, thực phẩm được bán với giá như ở trong đất liền nên tiết kiệm nhiều chi phí cho ngư dân.

Tại các âu tàu, ngư dân được cán bộ, chiến sĩ, kỹ thuật viên hỗ trợ về mọi mặt để đảm bảo chuyến biển an toàn. Đối với tàu thuyền hư hỏng, bà con ngư dân được kỹ thuật viên lành nghề sửa chữa miễn phí, nếu phải thay thế các bộ phận, kinh phí sẽ ngang bằng trên đất liền. Tại âu tàu đảo Sinh Tồn có các bể chứa nước ngọt và dầu với dung tích hàng trăm mét khối, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí nước ngọt cho ngư dân; đối với nhiên liệu, bà con được mua với giá như trên thị trường...


Nhiều ngư dân cho biết, khi chưa có các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, họ phải chuẩn bị rất kỹ mọi thứ như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt... nhưng đại dương mênh mông luôn đầy bất trắc. Nhiều khi đi hằng tháng không gặp luồng cá, đến khi gặp được thì nhiên liệu, lương thực hết, ngư dân đành phải “đứt ruột" quay về, coi như lỗ vốn cả chuyến đi… Bây giờ, khi các trạm dịch vụ nghề cá ở quần đảo Trường Sa đã hoạt động thì họ không còn lo lắng nữa.

Với chức năng hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân vào neo đậu tránh trú bão, tiếp nhận nhiên liệu, nước ngọt, sửa chữa máy móc tàu thuyền, cấp cứu, khám, chữa bệnh, các âu tàu thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vào mùa mưa bão và khi gặp sự cố trên biển.

Thanh Trà (tổng hợp)

  • Từ khóa
163558

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu