Thứ 3, 14/05/2024 08:17:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 08:58, 26/09/2022 GMT+7

"Báu vật" của vùng biển Sa Huỳnh

Thứ 2, 26/09/2022 | 08:58:41 905 lượt xem
BPO - Với lợi thế hội tụ tinh hoa của 3 nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt, làng cổ Gò Cỏ bên bờ biển Sa Huỳnh là bức tranh di sản hoang sơ, mộc mạc, huyền bí, làm xao lòng du khách trong mỗi chuyến thưởng lãm.

Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 60km về phía Nam, làng Gò Cỏ nằm bên bờ biển Sa Huỳnh còn lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng ngàn năm, với đường bờ biển hoang sơ và đầm nước mặn tự nhiên. Đến nay, nơi đây không bị bão hòa bởi đô thị hóa mà vẫn giữ được nét mộc mạc, chân chất hiếm có.

Làng Gò Cỏ thuộc thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích khoảng 65 ha, có lớp cư dân cổ, là chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh, niên đại khoảng 2.500-3.000 năm. Địa chất chủ yếu là các loại đá granite được hình thành khoảng 250 triệu năm trước.

Làng Gò Cỏ nằm bên bờ biển Sa Huỳnh còn lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng ngàn năm

Những con đường, bờ rào, bậc thang, kè đá giữ đất… được xếp bằng đá núi, theo thời gian đã kết nối liền mạch, vững chãi và đẹp mắt. Bậc thang bằng đá xuất hiện khắp các đồi núi quanh làng. Người Gò Cỏ trân quý từng tấc đất, ngọn cây. Sỏi đá không cản nổi những mùa ngô, khoai nặng gánh bội thu với những nong, những bồ đầy ăm ắp.

Trong làng hiện vẫn còn những ngôi nhà với mái lợp lá cọ, tường và cửa được làm bằng tre, nứa và những bộ bàn ghế bằng gỗ mộc mạc, đơn sơ, điểm tô một vài dải đèn lồng được đan bằng mây, xung quanh cây cối, hoa lá rực rỡ màu sắc, mang đến một không gian cổ kính trầm mặc tựa như bối cảnh trong phim cổ trang.

Làng Gò Cỏ nằm giữa 2 đồi núi cao, cách biệt với cư dân bên ngoài. Đến với Gò Cỏ, du khách dễ dàng bắt gặp những giếng đá, cầu đá, đường đá, những căn nhà dựng bằng tranh... là đặc trưng tiêu biểu của người Chămpa mà cư dân làng chài đã gìn giữ từ 1.000 năm trước. 12 giếng xây dựng bằng đá, các đền thờ, miếu mạo, dinh từ thời Vương quốc Chăm cũng đã được tìm thấy ở đây. Tất cả đều tồn tại cách đây hàng trăm năm. 

Đặc biệt, trong làng không có tiếng nhạc xập xình, không tiệm internet cũng chẳng một quán nhậu nào, cộng thêm đường đi gập ghềnh, quanh co có chút khó khăn nên không gian lúc nào cũng bình yên, tĩnh lặng như một “nàng thiếu nữ mới lớn”. Bất kỳ ai khi đến làng cổ Gò Cỏ đều có cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác - nơi mà chẳng có tiếng còi xe ồn ào, không khói bụi, chỉ có tiếng cười, tiếng sóng biển và tiếng gió.

Giữa 2 gành đá ở làng Gò Cỏ có bãi biển tuyệt đẹp. Không tàu to máy lớn, ngư dân Gò Cỏ sống bình lặng với những chiếc thuyền nhỏ đánh cá gần bờ. Ngoài ra, người dân làng Gò Cỏ còn làm nghề đan lát.

Không chỉ có cảnh sắc hữu tình, sản vật từ biển cũng là thứ mà bạn không thể bỏ qua khi đến Gò Cỏ. Thiên nhiên khắc nghiệt là vậy nhưng cũng đãi ngộ cho ngư dân nhiều đặc sản. 

Có thể nói, chính sự hoang sơ, mộc mạc, bình dị đã tạo nên cho làng Gò Cỏ một nét riêng không lẫn với bất cứ ngôi làng nào khác. Đến với làng du lịch cổ Gò Cỏ, tham quan những công trình đá lâu đời còn lưu lại, du khách có thể cảm nhận được nếp gấp của trùng điệp thời gian, cảm nhận cả một hành trình văn hóa đá, kiến trúc đá bền bỉ, nhẫn nại, kiên gan, cứng cỏi để trường tồn và tìm cho mình một chốn an yên trong tâm hồn.   

Thanh Trà (t/h)

  • Từ khóa
151529

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu