Thứ 3, 14/05/2024 08:56:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 09:06, 05/09/2022 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

Thứ 2, 05/09/2022 | 09:06:45 1,129 lượt xem
BPO - Giữa biển Đông mênh mông có một đảo đá khổng lồ sừng sững giữa trời cao biển rộng mà nhiều người rất muốn được một lần đến khám phá. Đó là Hòn Hải, ngư dân còn gọi là Hòn Hài vì trông có hình dáng như một chiếc hài cổ tích. Đây cũng là cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam với hệ thống đường hầm dài 170m và vách đá dựng đứng xung quanh cao 100m.

Hòn Hải là một đảo đá có diện tích lớn, nằm ngoài biển Đông của Việt Nam. Hòn Hải còn có tên gọi khác là Hòn Khám, thuộc điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Nhìn từ xa, Hòn Hải trông như một chiếc hài khổng lồ trên biển và có tên trên bản đồ quốc tế là Poulo Sapate. Đảo đá khổng lồ này có hệ thống đường hầm dài 170m, chiều dài chính của đảo là 130m, bề ngang chỗ rộng nhất 60m, điểm cao nhất tính từ mặt nước biển 113m. Hòn Hải nằm cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 65km.

Do có vị trí quan trọng và cũng là mối nguy với ngư dân nếu không có đèn cảnh báo an toàn, năm 1999, Bộ Quốc phòng đã xây dựng công trình hải đăng trên đảo với cơ sở hạ tầng chắc chắn và được hoàn thành năm 2004. Ngọn hải đăng của Hòn Hải được đặt ở vị trí cao nhất (113m), xung quanh là cỏ xanh phủ khắp bề mặt tựa như một thảo nguyên mênh mông nằm giữa đại dương xanh.

Đảo Hòn Hải với những vách đá dựng đứng, cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 65km

Hòn Hải được hình thành từ núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, phần dung nham gần mặt biển gặp nước hóa đá rắn chắc, còn phần trên cao thì xốp và mềm hơn nên thường xuyên bị bào mòn, thường có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt. Đảo Hòn Hải không có cây cối và dân cư sinh sống. Hải đăng Hòn Hải hoạt động độc lập, có nhiệm vụ giúp các tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận và gần đó định hướng, xác định vị trí của mình. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dòng hải lưu bất thường nên rất hiếm khi tàu thuyền cập được vào đảo Hòn Hải.

Từ khi công trình hải đăng trên đảo Hòn Hải được xây dựng, ngư dân đánh cá và các thuyền bè qua lại có tín hiệu cảnh báo rõ ràng hơn, tránh được những rủi ro của thiên nhiên khắc nghiệt. Bên cạnh ý nghĩa về vị trí địa lý quan trọng và là cột mốc lãnh thổ của Việt Nam trên biển Đông, Hòn Hải còn là một vùng “đất lành chim đậu” với hàng vạn con chim nhạn, bồ nông, mòng biển sinh sống trên đảo.

Điểm đặc biệt vĩ đại của công trình trên đảo là hệ thống đường hầm dài 170m với 4 cửa thông lên mặt đảo. Ban đầu, công binh định làm đường chạy thẳng lên đảo, tuy nhiên do vách núi dựng đứng nên phải chuyển sang phương án đào hầm.

Lực lượng thi công ròng rã khoan đá, ăn ngủ trong lòng núi với những phương pháp thi công “độc nhất vô nhị”, con đường hầm dài 170m đã trổ lên mặt đảo và tiếp tục được gia cố bằng bê tông cốt thép có mái vòm chống đá rơi.   

Ngay sau đó, từng xẻng cát, viên gạch, bao xi măng, can nước ngọt cũng được gùi cõng trên lưng bộ đội, lên xây dựng con đường bê tông trên mặt đảo dài 107m và các công trình phục vụ ngọn hải đăng có kết cấu bền vững, cao vút...

Khối nhà ở được xây dựng như một lô cốt vững chãi, nơi sinh hoạt của những cán bộ quản lý hải đăng Hòn Hải. Trung bình mỗi người sẽ ra công tác 4 tháng thì được về thăm nhà.

Được xây dựng từ năm 1999-2004, những công trình trên đảo Hòn Hải là sự cố gắng tuyệt vời, thậm chí đã phải đánh đổi bằng tính mạng của những người lính công binh. Từ tháng 6-2017, bia đánh dấu chủ quyền, điểm A6 trên đường lãnh hải Việt Nam được hoàn thành. Đảo Hòn Hải được ví như cột mốc chủ quyền của Việt Nam giữa biển Đông.   

Thanh Trà (tổng hợp)

  • Từ khóa
150011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu