Thứ 3, 14/05/2024 20:35:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 04:45, 30/05/2022 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Vì bình yên trên vùng biển Tây Nam

Thứ 2, 30/05/2022 | 04:45:08 1,296 lượt xem
BPO - Vùng biển mà Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý có diện tích hơn 150.000km2, giáp ranh với vùng biển các nước: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia. Đây là nơi tàu thuyền đi lại, đánh bắt hải sản tấp nập nhất cả nước và cũng ẩn chứa nhiều hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu phức tạp. Dù lực lượng còn mỏng nhưng cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển, buôn lậu... góp phần giữ bình yên trên tuyến biển quản lý.

Theo đánh giá của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4, trong những năm gần đây, hoạt động của tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại tấp nập với lưu lượng hàng hóa lớn. Cùng với đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua vùng biển Tây Nam về Việt Nam đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là: xăng dầu, gỗ quý, thuốc lá, đạm urê…

Các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển thường dùng phương tiện ngụy trang, giả dạng tàu của ngư dân để mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ rồi bán cho các tàu cá khác đang khai thác, đánh bắt trên biển hoặc đại lý xăng dầu trên bờ. Các đối tượng này thường quan sát, phát hiện lực lượng chức năng từ xa để lảng tránh. Chúng thường lợi dụng đêm tối, sương mù, thời tiết thuận lợi để vận chuyển, sang mạn. Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng, hòng nhanh chóng tẩu thoát. Hoặc chúng sử dụng trung gian để mua bán xăng dầu trên biển khép kín. Việc giao nhận xăng dầu diễn ra trên biển nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện tinh vi, bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" để liên lạc. Do vậy, nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bị vây bắt, có tàu lợi dụng thời tiết sóng gió, đêm tối, liều lĩnh chống trả quyết liệt, tẩu thoát qua vùng biển của quốc gia khác.

Tàu CSB-2003 của Vùng Cảnh sát biển 4 tuần tra, kiểm soát trên vùng biển - Ảnh: Thanh Tuấn

Nhận định rõ về tình hình an ninh, trật tự, an toàn hàng hải trên vùng biển Tây Nam, Đảng ủy, Chỉ huy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị, văn bản hướng dẫn của cấp trên. Tăng cường các biện pháp và kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trên tuyến biển. Tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ tiếp tay, bị mua chuộc bởi các đối tượng vi phạm. 

Theo cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4, tìm ra căn nguyên, thủ đoạn của các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu trên biển khó khăn hơn nhiều lần trên đất liền vì biển rộng, sóng lớn và thời tiết phức tạp. Cho dù được trang bị hệ thống phương tiện kỹ thuật, khí tài hiện đại nhưng cũng rất khó phát hiện từ xa vì các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại luôn tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Thế nên, biện pháp hiệu quả hiện nay vẫn là nêu cao cảnh giác, đề cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng thuần thục kỹ năng nghiệp vụ... 

Tính đến đầu tháng 5-2022, Vùng Cảnh sát biển 4 đã tổ chức 25 chuyến với 32 lượt phương tiện tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Qua đó đã phát hiện, kiểm tra, tiếp nhận xử lý 19 vụ/21 tàu. Xử phạt và đề xuất thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển ra quyết định xử phạt 17 vụ/19 tàu với số tiền hơn 923 triệu đồng; tịch thu 522.643 lít dầu DO và 21.252kg phế liệu nhựa; bán tài sản, nộp ngân sách gần 8 tỷ đồng; 1 vụ/1 tàu đang xử lý.

Thanh Trà (t/h)

  • Từ khóa
143285

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu