Thứ 3, 14/05/2024 06:59:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 14:02, 17/01/2022 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Khám phá làng chài cổ

Thanh Trà (t/h)
Thứ 2, 17/01/2022 | 14:02:30 1,573 lượt xem
BPO - Đảo ngọc Cát Bà, thành phố Hải Phòng là một nơi rất giàu tiềm năng du lịch. Đến với quần đảo này, khách du lịch không chỉ được tìm hiểu, khám phá về thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng sinh học mà còn được khám phá nét văn hóa đặc sắc của những làng chài. Một làng chài cổ hấp dẫn du khách nhất đảo Cát Bà đó là làng chài Cái Bèo.

Làng chài Cái Bèo (hay còn gọi là làng chài Vụng O, nằm trên đảo Ngọc thuộc quần đảo Cát Bà, huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng) là một trong những ngôi làng nổi cổ lớn nhất cả nước thời tiền sử. Đây là một làng chài có khoảng 300 hộ dân. Cuộc sống của cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh.

Nhìn từ xa, vịnh Cái Bèo hiện ra thật đẹp với làn nước màu xanh lục, núi đá nhấp nhô hòa lẫn với màu trời trong xanh. Vẻ thơ mộng của thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp của làng chài tạo nên một vẻ đẹp hiếm thấy. Trên mặt nước bồng bềnh, làng chài gồm nhiều nhà thuyền kết liền với nhau thành nhóm. Không chỉ có những con thuyền, trên vịnh Cái Bèo còn có những ngôi nhà nổi, kết lại san sát với nhau bằng những lồng bè nuôi cá. Từ nhà này có thể dễ dàng bước sang nhà kia trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang hay trên những thanh lồng.

Một góc làng chài Cái Bèo - Ảnh: Internet

Cái Bèo được đánh giá là một di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay của vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam, với 4 lần khảo sát và khai quật của các đoàn khảo cứu. Lần đầu tiên, vào năm 1938, nhà khảo cổ học M.Colani người Pháp đã phát hiện Cái Bèo chính là cái nôi văn hóa cổ của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học đã tiến hành thám sát và manh nha phát hiện nôi văn hóa biển.

Đến năm 1981, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có cuộc khai quật lần thứ 2 tại đây. Tuy phạm vi khai quật chỉ với diện tích 78m2 song đã tìm được nhiều hiện vật đá ở 2 giai đoạn phát triển kế tiếp nhau là tiền Hạ Long và Hạ Long.

Vào năm 1986, lần khai quật thứ ba được tiếp tục tiến hành. Các nhà khảo cổ đã tìm được gần 180 công cụ đá bao gồm công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác. Phân tích các mẫu hiện vật đã phát hiện có cơ sở kết luận di chỉ Cái Bèo gồm hai giai đoạn văn hóa: Giai đoạn tiền Hạ Long và văn hóa Hạ Long.

Lần khai quật thứ tư vào ngày 5-12-2006 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín, khi kết thúc khai quật đầu tháng 1-2007 đã thu được từ 10 hố có 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Phân tích cho thấy, những tổ hợp di vật thu được đều làm từ đá granit... Những bằng chứng này cho thấy, Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện nay ở Việt Nam. Phân tích còn thấy, cách đây khoảng 7.000 năm, người Cái Bèo sinh sống chủ yếu nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu…

Cho tới nay, cuộc sống của người dân chài nơi đây vẫn gắn bó và phụ thuộc vào biển. Biển cho họ hải sản, cho họ lương thực, cho họ vẻ đẹp trong lành và tinh khôi, cho họ cái nghề chài lưới và cả nghề chèo đò. Làng chài Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Rất hiếm có một nơi nào cảnh quan thiên nhiên lại gắn liền và hài hòa với di tích văn hóa như ở đây. Cùng với cuộc sống tấp nập nhộn nhịp, làng chài Cái Bèo luôn cuốn hút du khách với hai vẻ đẹp hòa quyện giữa mộng mơ và thực tế.

  • Từ khóa
135605

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu