Thứ 3, 14/05/2024 19:45:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 14:50, 20/12/2021 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU

Thanh Trà (t/h)
Thứ 2, 20/12/2021 | 14:50:26 573 lượt xem
BPO - Kết thúc 1 năm tiếp theo trong 4 năm kiên quyết chống khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), các địa phương có biển của Việt Nam đã nỗ lực và thu được những kết quả cao, được Ủy ban châu Âu ghi nhận có sự nỗ lực không ngừng trong công tác này.

Trong 4 năm qua, kể từ ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu áp "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản cùng cộng đồng ngư dân trên cả nước đã đồng lòng thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017, bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác một cách chặt chẽ, theo đúng quy định để ngư dân không có hành vi vi phạm trong khai thác hải sản.

Là một trong những địa phương có đội ngũ tàu cá khai thác, đánh bắt lớn nhất, nhì cả nước, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp đối với ngư dân trong tỉnh. Theo đó, Kiên Giang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất là đến ngày 31-12-2021. Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.363/3.662 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt 99,15% trên tổng số tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị này.

Bến cảng Nam Du (tỉnh Kiên Giang) là nơi tập trung rất đông tàu thuyền đánh bắt hải sản - Ảnh: internet

Các địa phương có biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng quyết tâm, đồng lòng thực hiện các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp. Cho đến nay, hầu hết các địa phương đều đạt được kết quả cao trong việc tuân thủ Luật Thủy sản, không khai thác chồng lấn, vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng một số chủ tàu cá tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, dẫn đến mất kết nối với máy chủ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra hiện trạng niêm phong thiết bị giám sát hành trình sau khi tàu cá cập, rời cảng. Nếu phát hiện trường hợp niêm phong bị phá thì cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng xác minh, làm rõ nguyên nhân. Nếu phát hiện chủ tàu cá tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình tàu cá thì xử phạt nghiêm theo quy định, buộc chủ tàu liên hệ với đơn vị cung cấp để tiến hành niêm phong trở lại. 

Kinh tế biển là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả cao trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Trong khai thác biển, Sóc Trăng đã chú trọng tuyên truyền về khai thác bền vững, hiệu quả, đặc biệt là tuân thủ quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng với đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát hành trình tàu cá, chống khai thác bất hợp pháp, nỗ lực cùng cả nước sớm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Thực tế cho thấy, các hình thức xử lý vi phạm về khai thác bất hợp pháp vẫn chỉ là giải quyết bề nổi của vấn đề, khi ý thức của ngư dân nghề cá vẫn “chưa thấm” về tuân thủ đúng Luật Thủy sản năm 2017, chưa hiểu sâu sắc những nguy hiểm ngư dân có thể gặp phải khi vi phạm vào vùng biển nước ngoài, gây ảnh hưởng đến tính mạng con người và không đủ lý lẽ để pháp luật Việt Nam bảo vệ. Chính vì vậy, điều cốt lõi trong thực hiện quyết tâm chống khai thác bất hợp pháp vẫn là làm cho ngư dân hiểu rõ những nguy hiểm có thể xảy ra khi vi phạm.

  • Từ khóa
134203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu