Thứ 5, 16/05/2024 05:44:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 10:10, 15/11/2021 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Cấp bách bảo tồn biển

Thanh Trà (t/h)
Thứ 2, 15/11/2021 | 10:10:58 851 lượt xem
BPO - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 1-11-2021 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam.

Để khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khu bảo tồn biển hiện nay, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thành lập khu bảo tồn biển; xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường; kiên quyết thu hồi diện tích biển thuộc các dự án vi phạm.

Trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, xu hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển đang ngày càng tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên biển cũng dần trở nên đáng báo động, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Rừng ngập mặn ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bị sóng biển đánh trôi - Ảnh: internet

Mặc dù cơ quan chủ quản đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, nhưng các vi phạm làm tổn thương các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển trong những năm gần đây vẫn phức tạp, chủ yếu là do các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn biển tăng nhanh trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự đa dạng sinh học.

Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương. Nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn nên đã nuốt vào bụng hoặc chúng bị mắc kẹt giữa các ngư cụ và tử vong.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho thấy, tài nguyên biển ở nước ta hiện nay đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Theo ước tính, trên toàn vùng biển nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang khoảng 40-60% cỏ biển, 70% rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% rạn san hô; 48% rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa.

Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, giàu từ biển, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.

  • Từ khóa
132598

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu