Thứ 4, 15/05/2024 10:10:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 13:36, 31/08/2021 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Độc đáo Hòn Bà

Thanh Trà (tổng hợp)
Thứ 3, 31/08/2021 | 13:36:33 1,042 lượt xem
BPO - Hòn Bà là một đảo nhỏ ở vùng biển Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách mũi Nghinh Phong chỉ khoảng 200m. Hòn đảo này không chỉ thu hút du khách nhờ con đường dưới biển độc đáo ít nơi có, mà còn là địa điểm hành hương quen thuộc của nhiều phật tử.

Từ bãi tắm Thùy Vân nhìn chếch về hướng Đông Nam, Hòn Bà hiện ra giống như một viên ngọc bích đặt trên tấm thảm màu xanh lam, lung linh kỳ vĩ. Đảo Hòn Bà rộng khoảng 5.000m2, ở phía Đông Nam núi Nhỏ, cách chân núi hơn 200m. Trên đảo bao phủ màu xanh của một số cây dừa, cau, dương và sứ... Xung quanh đảo là bãi đá ngầm lởm chởm, hình thù kỳ quái. Vì vậy, khi thủy triều lên, ai muốn ra đảo bằng thuyền hoặc xuồng máy sẽ phải đi đường vòng rồi cập bến phía Đông của đảo. Thế nhưng trong các ngày 14, 15 và mùng 1, thủy triều rút sâu, biển để lộ ra lối đi len lỏi giữa bãi đá sắc nhọn dẫn từ Bãi Sau ra Hòn Bà. Du khách có thể dạo bước trên con đường độc đáo dài khoảng 200m này để qua lại giữa đất liền và đảo.

Hòn Bà có một ngôi miếu được người dân địa phương truyền tai nhau là rất linh thiêng, mang tên miếu Hòn Bà. Đây là nơi thờ cúng quen thuộc của ngư dân địa phương, cầu mong những chuyến ra khơi luôn thuận lợi, đánh bắt được nhiều tôm cá. Miếu này được xếp vào danh sách ngôi miếu có vị trí đặc biệt nhất Việt Nam. Đặc biệt bởi nó nằm lưng chừng ngay giữa một hòn đảo nhỏ và lịch sử khám phá, tên gọi và cả những câu chuyện xoay quanh việc xây dựng, thờ cúng của miếu.

Hòn Bà không chỉ thu hút du khách nhờ con đường dưới biển độc đáo ít nơi có, mà còn là địa điểm hành hương quen thuộc của nhiều phật tử

Tương truyền, vào cuối thế kỷ XVIII (1781), trên đảo tạo lập ngôi miếu nhỏ thờ Thủy Long thần nữ - người giữ vai trò điều hòa khí hậu sao cho mưa thuận gió hòa để ngư dân yên ổn làm ăn, ra khơi đánh cá được thuận lợi và may mắn. Tên gọi miếu Bà hay miếu Hòn Bà ý chỉ vị Thủy Long thần nữ. Trải qua hơn 200 năm, dân làng nơi đây đã nhiều lần đóng góp kinh phí, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo miếu trở thành nơi thờ phụng khang trang.

Kiến trúc miếu Hòn Bà gồm cổng và tòa chánh điện. Tòa chánh điện mở cửa nhìn ra hướng Đông Nam, theo kiểu kiến trúc tứ trụ, gồm 2 tầng 8 mái (tượng trưng), lợp ngói, sơn màu đỏ; trên các bờ nóc và bờ diềm mái đều trang trí hình chim phượng cách điệu… Tòa chánh điện thờ chính là Thủy Long thần nữ. Hằng năm, nơi đây tổ chức 4 lần lễ hội vào rằm tháng giêng, tháng 4, 7 và tháng 10 (âm lịch). Trong đó, lễ hội lớn nhất là vào rằm tháng giêng. Những ngày này, người dân Vũng Tàu, khách du lịch và ngư dân từ nhiều nơi nườm nượp lội bộ theo con đường đá dưới đáy biển vừa phát lộ khi thủy triều rút xuống để ra đảo dự lễ hội.

Đường ra miếu Bà, người dân và du khách còn có nhiều trải nghiệm khá thú vị. Bởi nước rút để lộ bãi biển rộng lớn kéo dài với những mỏm đá, vũng nước. Trên đường đi, mọi người có thể nhìn thấy nhiều ốc, cá, cua bị “kẹt” lại ở những vũng nước do thủy triều vừa rút, vừa có thể xem người dân địa phương cạy hàu sữa trên con đường đá. Khoảng thời gian đi từ bờ qua con đường đá ra tới hòn Bà mất chừng 15 phút đi bộ.

Trong tương lai, dự kiến nơi đây sẽ xây dựng một cây cầu phù hợp cảnh quan, điều kiện môi trường, vị trí địa lý để nối liền từ chân núi Nhỏ ra tận phía đảo; đồng thời trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang miếu Hòn Bà. Nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan du lịch thưởng ngoạn kết hợp tâm linh của thành phố biển Vũng Tàu.

  • Từ khóa
129086

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu