Thứ 5, 16/05/2024 04:10:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 14:16, 17/08/2021 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Vẻ đẹp hòn Bảy Cạnh

Thứ 3, 17/08/2021 | 14:16:34 1,135 lượt xem
BPO - Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng không chỉ bởi hệ thống di tích đặc biệt cấp quốc gia, thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ mà còn có nhiều tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Trong đó, hòn Bảy Cạnh là địa điểm không thể bỏ qua khi du khách tới Côn Đảo.

Hệ sinh thái biển đa dạng

Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo. Nằm về phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền nhau bằng đồi cát ở giữa gọi là bãi Cát Lớn, toàn bộ đảo được che bởi rừng nhiệt đới hải đảo.

Theo ghi nhận của Vườn quốc gia Côn Đảo, đây là nơi có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam và có hệ sinh thái biển đa dạng nhất của huyện Côn Đảo. Vùng biển xung quanh hòn Bảy Cạnh được bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển. Bởi đây là vùng tập trung nhiều loài sinh vật biển như: rạn san hô, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển…

Theo chia sẻ của cán bộ kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh thì bắt đầu từ những năm 1994, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành bảo tồn rùa biển. Ban quản lý đã thành lập 5 trạm kiểm lâm ở các đảo có rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng nhằm nghiên cứu đặc tính sinh học của rùa biển thông qua đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh. Những hoạt động này nhằm bảo vệ sinh cảnh làm tổ và di chuyển các tổ trứng đến nơi an toàn để giúp tỷ lệ trứng rùa ấp nở thành công cao hơn so với để ngoài tự nhiên. Đây là chiến lược có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên nói chung, bảo tồn tài nguyên biển, rùa biển tại Côn Đảo nói riêng.

Hòn Bảy Cạnh có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam và có hệ sinh thái biển đa dạng nhất của huyện Côn Đảo

Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 10 có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ đẻ trứng; có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh mỗi đêm có 10-20 rùa mẹ lên làm tổ.

Hải đăng Bảy Cạnh

Ngọn hải đăng Bảy Cạnh còn có tên gọi khác là hải đăng Hòn Chớp hay Đảo Đèn được xây dựng độc lập trên một ngọn núi. Ngoài thắp sáng, báo hiệu cho luồng tàu thuyền qua lại theo hướng Sài Gòn - Vũng Tàu - Kiên Giang, ngọn hải đăng này còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế.

Trước đây, do nhu cầu vận tải bằng đường biển của quân đội Pháp, cũng như những tàu buôn của nước ngoài đến Việt Nam, người Pháp đã xây dựng hải đăng Bảy Cạnh và hoạt động vào năm 1885. Để xây dựng ngọn hải đăng Bảy Cạnh, quân đội Pháp đã bắt tù nhân Côn Đảo làm việc khổ sai, nhiều người đã phải bỏ mạng khi xây dựng công trình này.

Ngọn tháp có 4 tầng, bên trong lòng tháp có cầu thang xoắn ốc với 55 bậc, một đèn phụ dự phòng trường hợp đèn chính bị hỏng. Tháp hải đăng Bảy Cạnh chỉ cao 16m, nhưng nằm trên đỉnh núi cao hơn 200m nên tầm hiệu lực chiếu sáng tới 26,7 hải lý vào ban đêm, tâm sáng 212m, cùng tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 3 với chu kỳ 20 giây đã quét ánh sáng khắp vùng biển Côn Đảo với bán kính hơn 70km.

Hằng đêm, luồng ánh sáng của hải đăng Bảy Cạnh không chỉ luôn soi rọi, làm cột mốc hoa tiêu chỉ dẫn tàu hàng lưu thông an toàn qua luồng hàng hải quốc tế, làm “điểm chuẩn” xác định vị trí cho tàu đánh cá của ngư dân hoạt động trên vùng biển Côn Đảo, mà còn là “mắt thần vạn dặm” phục vụ nhiệm vụ canh giữ biển, đảo thân thương trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Hòn Bảy Cạnh thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

Thanh Trà (tổng hợp)

  • Từ khóa
128396

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu