Thứ 4, 24/04/2024 08:57:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 12:49, 10/08/2021 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Làng chài trăm tuổi Phước Hải

Thanh Trà (tổng hợp)
Thứ 3, 10/08/2021 | 12:49:49 2,411 lượt xem
BPO - “Ngó lên Đất Đỏ làm cỏ cho quen/Lưới Rê đi cưới một thiên cá mòi/Không tin dỡ hộp cho coi/Rau răm ở dưới cá mòi ở trên” - không phải ngẫu nhiên những câu ca đó lại ngân nga từ đời này qua đời khác ở Phước Hải. Nó gắn liền với lịch sử hàng trăm năm của làng chài này và cuộc sống của những con người quanh năm bám biển, sống với biển…

Làng chài Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có từ rất lâu đời. Ngày nay, làng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng qua bao năm tháng, là nơi cung cấp hải sản, nước mắm và khô nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về sự hình thành của làng, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện rằng, khoảng năm 1725-1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất hoang (hiện nay, dân Phước Hải tôn ông là tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương khói quanh năm). Thuở ấy, đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Hằng ngày, ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước để đánh bắt tôm, cá. Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm, cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê - ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một trong những làng cổ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau này, cuộc sống người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ. Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền sáp nhập, gọi là Phước Hải thôn. Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho Phước Hải ngày một trù phú, đông đúc…

Thuyền thúng - nét đặc trưng của làng chài Phước Hải - Ảnh tư liệu

Gắn bó với biển và biển đã mang lại cuộc sống ấm no cho con người, vì vậy cư dân thị trấn Phước Hải luôn biết ơn biển. Vào ngày 16, 17 tháng 2 âm lịch hằng năm, ngư dân lại long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải để cầu mong may mắn, bình an. Ngư dân Phước Hải từ lâu đã xem lễ hội Nghinh Ông cũng là ngày mở cửa biển ra khơi, bắt đầu mùa làm ăn mới. Lễ hội được duy trì hằng năm nhằm giúp các thế hệ con cháu, ngư dân mãi ghi nhớ, hướng về nguồn cội và thêm ý thức tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hóa mà bao thế hệ cha ông vun đắp.

Hiện nay với hơn 70% dân số sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản, thị trấn Phước Hải được địa phương phát triển mạnh về đánh bắt xa bờ và các dịch vụ nghề cá. Từ phương tiện nhỏ, buồm chéo, máy móc thô sơ đánh bắt ven bờ nên sản lượng thu hoạch còn hạn chế, đến nay thị trấn Phước Hải đã có hàng trăm phương tiện hiện đại đánh bắt xa bờ, sản lượng thu hoạch hằng năm hàng chục ngàn tấn.

Chợ Phước Hải đông nhất vào cuối tuần khi khách du lịch đổ về để mua hải sản. Và hải sản khô cùng nước mắm nguyên chất đã trở thành đặc sản được đông đảo du khách yêu thích, vì có thể bảo quản được lâu và mang về làm quà tặng người thân. Bên cạnh đó, ngoài những món ăn được chế biến sẵn, du khách có thể mua hải sản tươi tại chợ rồi nhờ chế biến để thưởng thức…

Làng chài Phước Hải ngày nay phát triển nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ, vẻ đẹp yên bình khiến du khách đến đây phải nao lòng. Trên bãi cát có rất nhiều thuyền thúng của ngư dân bên cạnh các phương tiện hiện đại đánh bắt xa bờ. Mùa lưới thuyền thúng có thể diễn ra quanh năm, nhất là khi biển động, tàu lớn không thể ra khơi. Thuyền thúng từ đó trở thành nét riêng, độc đáo ở nơi đây mà nhiều người vẫn quen gọi là làng thúng Phước Hải.

  • Từ khóa
128026

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu