Thứ 4, 15/05/2024 20:36:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 08:09, 27/07/2021 GMT+7

Các anh hy sinh cho Tổ quốc nở hoa

Hồng Sơn
Thứ 3, 27/07/2021 | 08:09:47 1,144 lượt xem
BPO - Chuyến công tác thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2021 của Đoàn công tác số 4 do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức từ ngày 26-4 đến 5-5-2021 kết thúc cách đây gần 3 tháng. Trong chuyến hải trình 10 ngày trên biển đã để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên. Đặc biệt không chỉ tôi mà với bất kỳ ai đã từng đến thăm Trường Sa về lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh anh dũng trên quần đảo Trường Sa.

Qua 4 ngày trên biển, Đoàn công tác số 4 đã hoàn thành việc đến thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Tiếp tục cuộc hải trình thăm 5 đảo còn lại thuộc huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 như kế hoạch đã định, khoảng 21 giờ ngày 30-4, tàu HQ 571 Vùng 4 Hải quân thả neo trên vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, nơi mà cách đây 33 năm về trước sự kiện Gạc Ma 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự lễ tưởng niệm

Sau 1 đêm dừng chân, nghỉ ngơi tại vùng biển linh thiêng, đúng 6 giờ 30 phút ngày 1-5-2021 (nhằm ngày 20 tháng 3 năm Tân Sửu), nhận mệnh lệnh thông báo của Thủ trưởng đoàn, tất cả các thành viên đoàn công tác nhanh chóng tập trung trên boong tàu và ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị bước vào buổi lễ.

Các đại biểu thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ

Ngoài các đơn vị hải quân, trong Đoàn công tác số 4 cùng có 127 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức đến từ các tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Bệnh viện Quân y 175 đa phần là đi thăm Trường Sa lần đầu, nên ai nấy đều tò mò, không giấu sự xúc động của mình khi vinh dự được dự buổi lễ vô cùng đặc biệt này. Công tác chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm trước đó đã được các cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ tàu HQ 571 với chiếc bàn thờ đơn sơ làm bằng chất liệu “xốp nhựa” có kích thước 50x50cm được bố trí ở vị trí trang trọng trên boong tàu. Trên bàn thờ được trưng bày ly hương, tiền vàng, hoa, quả theo nghi lễ truyền thống của người Việt, cùng vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”.

Nghi lễ thả bàn thờ và vòng hoa xuống biển khơi cầu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát

Lễ tưởng niệm được cử hành lúc 7 giờ. Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Hải quân, Trưởng đoàn công tác Phan Tấn Hùng là người đầu tiên thỉnh hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tiếp đó, trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm giữa biển trời bao la, Đại tá Lê Xuân Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân thay mặt đoàn công tác đọc diễn văn với niềm tiếc thương vô hạn trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Thượng úy Trần Thị Thu Thủy tưởng nhớ tới người cha kính yêu của mình đã anh dũng hy sinh trên vùng biển này

Diễn văn nhấn mạnh: 33 năm trước, 14-3-1988 là ngày không thể nào quên của dân tộc Việt Nam trước sự thảm sát dã man của đối phương. Với ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải, lực lượng công binh hải quân xây dựng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng đã mưu trí, sáng tạo, anh dũng, chủ động kiềm chế đến mức tối đa, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và giữ lấy môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Trong thời khắc lịch sử đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Các thành viên đoàn công tác Bình Phước tặng quà cho Thượng úy Trần Thị Thu Thủy

Trước sự tấn công điên cuồng của kẻ thù, Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604 vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”. Trong trận chiến không cân sức đó, Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin (đảo Cô Lin ngày nay) để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...

Trước sự xúc động, nghẹn ngào trong lòng mỗi đại biểu có mặt tại lễ tưởng niệm, Đại tá Lê Xuân Phong tự hào khẳng định: Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biết bao cuộc chiến tranh đã đi qua, biết bao đau thương mất mát mà đất nước chúng ta phải gánh chịu, nhưng sự kiện anh dũng hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 là dấu ấn không phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân nước Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu “các anh sống là người chiến sĩ giữ biển, các anh chết trở thành hồn thiêng giữ biển, đảo Tổ quốc thân yêu”. Sự ra đi của các anh thật bình dị và cao cả dẫu chẳng ai màng bia đá tượng vàng. Nhưng sự hy sinh ấy đã khắc vào lòng của dân tộc, vì các anh đã trở thành tượng đài bất tử ngàn thu; máu của các anh đã hòa làm mặn thêm nước biển Đông, nhắc nhở các thế hệ muôn đời sau nhớ về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc linh thiêng. Sự hy sinh của các anh đã góp phần làm cho Trường Sa trở lại, quy tụ lòng người cùng chung một hướng, làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Các anh hy sinh cho Tổ quốc sống mãi.

Đoàn công tác tỉnh Bình Phước tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin

Khép lại lễ tưởng niệm, ngân lên khẩu lệnh 3 tiếng còi tàu hòa vào khúc nhạc “Hồn tử sĩ” để các đại biểu dành 1 phút mặc niệm và từng hàng nối hàng dâng hương tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, ban tổ chức thực hiện nghi lễ di dời bàn thờ và vòng hoa thả xuống lòng biển của Tổ quốc. Mỗi đại biểu trên tay gieo từng nhành hoa cúc vàng xuống lòng đại dương để tỏ lòng thành kính trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.   

Trong đoàn công tác thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2021, có sự tham gia của Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thu Thủy, nhân viên Văn thư bảo mật Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - con gái của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương và Trung tá Vũ Anh Tuấn, Trợ lý Phòng cán bộ, Cục Chính trị Hải quân - con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ.

Trò chuyện với đoàn Bình Phước, Thượng úy Thủy cho biết: Chưa từng một lần được gặp mặt cha, Thu Thủy lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, sự đùm bọc của gia đình, làng xóm và đồng đội của cha trên quê hương làng Đơn Sa, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Năm 2009, Thủy tốt nghiệp Trường Đại học Quảng Bình và quyết định vào tỉnh Khánh Hòa lập nghiệp. Thủy làm đơn và được tiếp nhận công tác tại Chi cục Lưu trữ tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, theo ý nguyện, Thủy đã được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa điều động đến công tác tại Văn phòng UBND huyện đảo Trường Sa.

Bồi hồi xúc động nhớ lại về kỷ niệm chuyến công tác Trường Sa ngày 31-3-2010, trên con tàu HQ 936, Thượng úy Thủy chia sẻ: Đang chống chọi với cảm giác say sóng nhưng tôi vẫn bật dậy khi nghe loa tàu thông báo, đang đi qua vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao. Đứng ở boong tàu, nhìn biển trời quê hương, tôi trào nước mắt khi lắng nghe tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên trong lễ tưởng niệm. Tôi thấy bóng hình cha cùng đồng đội hiên ngang dưới Quốc kỳ. Tàu rẽ sóng đi xa, tôi chỉ biết hướng mắt nhìn về đảo và khóc. Mẹ tôi đã bật khóc khi nghe tôi thốt lên trong cuộc điện thoại: “Mẹ ơi! Con đã nhìn thấy cha ở đảo Gạc Ma”. Thời gian trên Tàu HQ 936, Thủy may mắn được gặp Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh. Cầm lá đơn tình nguyện xin nhập ngũ, vị thủ trưởng đồng ý phê chuẩn. Thủy òa khóc trong hạnh phúc ngay trong thời khắc thiêng liêng, khi trở thành đồng đội của cha mình mà bản thân Thủy hằng mong ước khi còn cắp sách tới trường.

Và hôm nay, tại nơi cha mình và đồng đội đã hòa vào lòng biển, tại lễ tưởng niệm, cũng như cách đây hơn 10 năm trước, những giọt nước mắt của Thủy lại tuôn rơi. Sau buổi lễ, Thượng úy Thủy xúc động, bồi hồi: “Sáng nay, đứng trên boong tàu HQ 571 nhìn về phía đảo Gạc Ma, tôi rất đau lòng vì nơi ấy có xương máu của bố tôi cùng đồng đội đã ngã xuống. Trong tôi bỗng bồi hồi, xúc động xen cả sự tự hào. Tôi hứa với lòng mình, là người con gái tốt, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh và nguyện sẽ tiếp bước cha anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hương trầm quyện gió tỏa quanh

Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương.

Sống không mưu lợi tầm thường

Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng! 

                                                                                                          

  • Từ khóa
127267

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu