Thứ 4, 15/05/2024 21:21:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 13:30, 12/05/2021 GMT+7

Xúc động chuyến công tác Trường Sa

Bùi Văn Thiêm
Thứ 4, 12/05/2021 | 13:30:27 438 lượt xem
BPO - Đoàn cán bộ của tỉnh Bình Phước gồm 10 thành viên do Đại tá Phan Văn Thư, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh làm trưởng đoàn vừa vinh dự tham gia cùng đoàn công tác số 4 đến thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 nhân dịp kỷ niệm 46 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4) và giải phóng miền Nam (30-4), thống nhất đất nước.

Hành trình đầy háo hức

Đoàn công tác số 4 gồm 7 đơn vị: Bình Phước, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Tòa án nhân dân tối cao, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Bệnh viện Quân y 175 và tỉnh Khánh Hòa, với tổng 127 đại biểu. Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên các đại biểu đã phải xét nghiệm, test kiểm tra 2 lần và cách ly 3 ngày tại thành phố cảng Cam Ranh để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân và các chiến sĩ trên đảo. 

Trong thời gian cách ly, các thành viên đoàn rất háo hức. Đúng 16 giờ 5 phút ngày 26-4, tàu HQ 571 thuộc Lữ đoàn 955 đã kéo 3 hồi còi chở 127 đại biểu cùng các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam rẽ sóng tiến về Trường Sa thân yêu. Tôi thấy mình may mắn khi được góp mặt trong chuyến hải trình kéo dài hơn 10 ngày.

Tác giả bên cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa

Trước khi đi Trường Sa, tôi nghe kể hành trình sẽ vất vả lắm, ngoài say sóng còn thiếu thốn cơ sở vật chất, sự khắc nghiệt của biển khơi và hành trình trên biển tiềm ẩn nhiều rủi ro… Tuy nhiên lên tàu, chúng tôi rất cảm động và biết ơn sự phục vụ tận tâm, đầy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 571. Với tác phong nhanh nhẹn, nụ cười tươi trên môi và… không quên câu: “Cháu chào chú” của các chàng lính trẻ mỗi khi gặp nhau tạo cảm giác thật thân thiện!

 Qua 2 đêm 1 ngày chinh phục 358 hải lý, khoảng hơn 5 giờ sáng 28-4, nữ phát thanh viên thông báo tàu HQ 571 chuẩn bị thả neo trên vùng biển thuộc đảo Song Tử Tây. Tôi đã vội chạy ào ra trước mũi tàu và bên phải con tàu đã hiện ra đảo Song Tử Tây thật huyền diệu, lung linh. Tôi háo hức xuống xuồng, trên cầu cảng các chiến sĩ và nhân dân đã chờ sẵn… Ngay sau những cái bắt tay nồng ấm, đảo Song Tử Tây như một làng quê với vẻ đẹp có cả nhà cửa, công trình, cây cối xanh tươi, đền chùa và tượng đài Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Nhất là tại cột mốc chủ quyền, không thành viên nào bỏ lỡ dịp ghi lại tấm hình bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Tất cả đã hiện ra thật mãn nguyện tâm trạng chờ đợi bấy lâu để được đến với các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi mà tôi chỉ được biết qua các phương tiện truyền thông, qua hình ảnh mà chưa một lần được đặt chân đến. 

Trường Sa thiêng liêng trong trái tim tôi

Khi mọi người còn đang bận rộn với nhiều hoạt động trên đảo thì chúng tôi (khoảng 20 người) được thông báo ra xuồng để tới đảo chìm Đá Nam. Sau hơn nửa giờ xuồng vượt biển khơi, đoàn công tác cập đảo Đá Nam trưa 29-4. Được gặp gỡ, giao lưu cùng các chiến sĩ hải quân, đặc biệt chúng tôi được gặp các chiến sĩ trẻ mới được điều động tới làm nhiệm vụ ở đảo. Nhìn các em rắn rỏi, da đen sạm vì nắng, gió và nước biển, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo các em đang mặc, chúng tôi thật sự xúc động. 

Lau vội những giọt mồ hôi mặn chát trên mặt, Đảo trưởng và Chính trị viên đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên đảo nhận quà. Đó chính là tình cảm gồm cả vật chất và tinh thần của quê hương Bình Phước mà tôi đại diện đoàn mang đến tặng các chiến sĩ. 

Tiếp tục hải trình, tàu HQ 571 đã đưa chúng tôi đến với đảo Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Cô Lin, Thuyền Chài C... và Trường Sa Lớn. Gặp các em, các cháu tay bắt, mặt mừng; qua vài phút chuyện trò, chúng tôi vô cùng khâm phục tinh thần trách nhiệm, tình yêu của người lính đối với biển đảo. Nhất là ở các đảo chìm, giữa nắng gió biển khơi, giữa mênh mông sóng nước, người chiến sĩ vẫn đang ngày đêm canh giữ… Có lẽ giữa bốn bề của biển cả chúng ta mới thấy hết cái quý giá của những giọng nói, nụ cười, lời động viên chia sẻ, bởi những người chiến sĩ ấy họ rất thiếu hơi ấm của đất liền, thiếu những cái ôm ấm áp của người thân… Trong biển cả bao la ấy có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm thân thương, có sự chia sẻ và niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả.

Dù cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn nhưng họ không hề nao núng trước thiếu thốn của đời sống vật chất và tinh thần giữa đảo xa, giữa mênh mông sóng nước… Ấn tượng với tôi là chứng kiến một số buổi làm việc với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Phan Tuấn Hùng gợi ý, trong đoàn công tác có đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và địa phương nên cán bộ, chiến sĩ cứ mạnh dạn đề xuất những khó khăn, thiếu thốn. Tuy được “bật đèn xanh” nhưng tôi thật ngạc nhiên khi không có cán bộ, chiến sĩ nào đề xuất, kiến nghị hay xin điều gì. Các cán bộ, chiến sĩ thật là kiên cường! Trước cái nắng, gió và nước biển mặn chát, họ vẫn vượt qua để bám biển, giữ đảo. Tự nhiên tôi liên tưởng đến truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đó là: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ hành quân tới Nhà giàn DK1. Tuy nhiên, do thời tiết thay đổi, sóng to, gió lớn đã làm cuộc ghé thăm phải thực hiện qua sóng vô tuyến. Tuy lời thăm hỏi ngắn gọn và tặng cho nhau lời ca tiếng hát chập chờn hòa trong tiếng sóng nhưng ai cũng cảm động và lưu luyến… Một số thành viên trong đoàn đã không thể kiềm lòng mà bật khóc!

Trong tiếng sóng lớn ập vào ghềnh đá, dù choáng váng với dấu hiệu say sóng tôi vẫn cố ngồi viết để không bị gián đoạn dòng suy tư… Và khi về đến Bình Phước, tôi đã hoàn thiện bài viết về trải nghiệm và để được bày tỏ tình cảm của mình với Trường Sa thân yêu!

  • Từ khóa
123353

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu