Thứ 7, 18/05/2024 00:24:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 14:10, 26/01/2021 GMT+7

Làng biển Nam Ô

Thứ 3, 26/01/2021 | 14:10:00 1,597 lượt xem
BPO - Làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) là làng chài thuộc hàng cổ nhất xứ đàng Trong, với tuổi đời khoảng 700 năm. Đây cũng là làng chài cổ duy nhất còn sót lại trên địa bàn Đà Nẵng, với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đang được lưu giữ...

Nơi giao thoa văn hóa

Làng chài Nam Ô hiện vẫn còn sử dụng những giếng nước ngọt được xây dựng theo kiến trúc Chăm. Giếng có thành vuông, bên trong lót gỗ, có hoa văn trang trí, tuy đã phủ nhiều rêu phong theo thời gian nhưng nước luôn đầy ắp và mát mẻ. Cách đó không xa là khu phế tích của tháp Chăm Xuân Dương xưa kia. Đây từng là một tháp Chăm rất lớn, có niên đại khoảng thế kỷ XI. Sau này, nhiều hiện vật ở di tích tháp được người Pháp quy tập về nghiên cứu, đến nay vẫn còn nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ngư dân làng biển Nam Ô chuẩn bị dong thuyền ra khơi - Ảnh nguồn baodanang.vn

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Xuân Dương lớn hơn hẳn các tháp Chăm cùng thời và được xây rất gần với biển, nên có thể đây vừa là công trình thờ tự vừa được dùng như “ngọn hải đăng” để định hướng tàu thuyền cập bến. Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của tháp Xuân Dương cũng như làng Nam Ô trong phát triển kinh tế biển từ xa xưa.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng, năm 1306, vua Chế Mân của Vương quốc Chămpa dâng 2 khu vực Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa, con gái vua Trần Nhân Tông. Từ đó Châu Ô, Châu Lý (từ phía bắc Quảng Trị đến khu vực làng Nam Ô ngày nay) chính thức được sáp nhập vào Đại Việt. Cái tên Nam Ô cũng có ý nghĩa là “cửa ô phía Nam” của đất nước. Cũng từ đó, trên vùng đất này, sự giao thoa văn hóa Chămpa và Đại Việt bắt đầu...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng, những giai thoại, truyền thuyết xưa do người dân Nam Ô kể lại có cứ liệu lịch sử rất mỏng, khó xác minh. Nhưng có thể coi đó là những phần tô điểm, giúp không gian văn hóa nơi đây thêm linh thiêng. Còn về những giá trị có thật trong lịch sử thì đến nay vẫn tồn tại nhiều di tích rất lâu đời như: Lăng Ông, miếu bà Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử), mộ Tiền Hiền (những người có công khai khẩn), miếu Âm Linh và Nghĩa Trũng (tưởng niệm các binh sĩ buổi đầu đánh Pháp)...

Song hành của nghề biển và nghề mắm

Nam Ô là bãi biển rộng, ngư trường có nhiều loài thủy hải sản sinh sống, phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loài, thuận lợi cho ngư dân địa phương sống bằng nghề đi biển. Nghề đi biển gồm 2 hình thức chính là đi khơi (đánh bắt xa bờ) và đi lộng (đánh bắt gần bờ).

Dân làng Nam Ô thường đi lộng, chuyến đánh bắt thường kéo dài từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Ngư cụ thường dùng là lưới, sản phẩm đánh bắt chủ yếu là các loài cá, tôm, cua, ốc, mực nhỏ. Hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản đã cung cấp một lượng thực phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng và các địa phương lân cận. Đặc biệt, vùng biển này có loài cá cơm than tươi ngon, là nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm.

Theo những người già trong làng, nghề mắm Nam Ô đã tồn tại được khoảng 400 năm, có những lúc thăng trầm, nhưng hiện nay vẫn còn trên dưới 100 hộ làm mắm. Hiện các hộ dân vẫn sử dụng cá cơm than đánh bắt ngay trong vùng biển ven bờ, kết hợp muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), với công thức 3 cá 1 muối truyền thống để làm ra sản phẩm nước mắm thơm ngon. Nước mắm Nam Ô đã có thương hiệu trên thị trường. Không chỉ được tiêu thụ trong thành phố Đà Nẵng mà đặc sản Nam Ô còn xuất đi các địa phương trong cả nước.

Ngày 4-7-2020, UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ vinh danh đón bằng chứng nhận “Nghề nước nắm Nam Ô” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và đối với người dân thành phố Đà Nẵng, nước mắm không chỉ là món ăn, gia vị mà còn là một phần của lịch sử, văn hóa. Những ngày cận tết, con đường vào làng Nam Ô tấp nập hơn hẳn. Hộ làm mắm nào cũng tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ tết.   

T.S (tổng hợp)

  • Từ khóa
119343

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu