Thứ 2, 20/05/2024 03:21:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:23, 13/11/2013 GMT+7

Luật ở trên trời...

Thứ 4, 13/11/2013 | 15:23:00 241 lượt xem

Ngày 21-10-2009, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Điều đáng nói ở đây là ngay sau khi thông tư này có hiệu lực thì đã có quy định không thể thực hiện được trong thực tế. Còn nếu buộc phải làm thì chỉ có cách người thực thi phải lách hoặc chịu phạt. Đó là quy định tại Điều 7, nội dung như sau: Điều 7. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng: 1. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. 2. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Mặc dù Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định là vậy, nhưng trong thực tế không ai thực hiện được. Qua trao đổi với một số thầy, cô giáo là hiệu trưởng của các trường tiểu học và trung học cơ sở ở thị xã Đồng Xoài, phần lớn trong số họ đều có chung ý kiến là: Thường ngày, một hiệu trưởng làm việc tới 12 giờ nhưng cũng chưa chắc đã hết việc. Đã vậy còn phải liên tục tham gia các cuộc họp ở địa phương, ở phòng, ở sở và ở trường nên không thể đứng lớp theo lịch cố định đã được xếp sẵn. Do vậy ban giám hiệu các trường đều phải đối phó bằng cách hợp thức hóa những hoạt động ngoài giờ lên lớp... Vậy nhưng đã hơn 4 năm sau ngày thông tư trên có hiệu lực, điều bất khả thi trên vẫn chưa được sửa đổi phù hợp hơn.

Ngày 27-6-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, về kinh doanh thuốc lá. Tại Khoản 3, Điều 26 của nghị định này là những quy định về điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, với nội dung như sau: 3. Điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá: a) Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; b) Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; c) Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; d) Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; đ) Phù hợp với quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với quy định gồm “5 có” như trên thì hầu hết những điểm bán thuốc lá lẻ tại các nhà hàng, quán ăn, quán bán nước giải khát... ở thị xã Đồng Xoài nói riêng và ở Bình Phước nói chung sẽ không đủ điều kiện. Chưa hết, nếu thực hiện đúng theo tinh thần của nghị định này thì việc kiểm soát những nơi bán thuốc lá lẻ như thế nào? Cơ quan chức năng nào có đủ nhân lực để thực hiện việc kiểm soát này? Còn nữa, theo quy định tại nghị định này, những người bán và những người mua thuốc lá lẻ ở những nơi không đủ tiêu chuẩn sẽ bị xử phạt. Nhưng ai là người đứng ra xử phạt việc này và liệu có xử phạt được hết số người vi phạm hay không?

Vì thế dư luận cho rằng, chừng nào người soạn luật còn ở trên trời thì sẽ còn những văn bản quy phạm pháp luật không đi vào cuộc sống ở dưới đất. 

N.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu