Thứ 2, 20/05/2024 01:32:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:05, 11/11/2013 GMT+7

Tiêm vắc-xin cho trẻ, bộ y tế thiếu tự tin, người dân lo ngại

Thứ 2, 11/11/2013 | 16:05:00 118 lượt xem

Theo thống kê của ngành chức năng, sau hơn 25 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, hơn 65 triệu trẻ em Việt Nam đã được tiêm chủng 11 loại vắc-xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Và Việt Nam đã thanh toán hoàn toàn bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm số mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Riêng ở Bình Phước, trung bình mỗi năm có khoảng gần 17 ngàn trẻ em ra đời. Qua kiểm tra, đánh giá của Bộ Y tế, có khoảng 95% số trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng các loại vắc-xin hằng năm.

Tuy nhiên, những sự cố đáng tiếc trong quá trình tiêm chủng vắc-xin cho trẻ thời gian gần đây, dẫn đến những cái chết thương tâm hoặc biến chứng đối với một số trẻ đã, đang gây bức xúc dư luận và khiến ngành y tế tỏ ra rất lúng túng trong việc xử trí. Tại Bình Phước, từ trước tới nay đã có 3 trường hợp trẻ chết sau tiêm chủng. Ngay đầu tháng 8 năm nay, một trẻ sơ sinh cũng đã tử vong khi trước đó được tiêm vắc-xin phòng lao. Rất may là qua kiểm tra chuyên môn, tất cả các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong trên địa bàn tỉnh đã được xác định nguyên nhân không phải do tiêm vắc-xin.

Sự lúng túng đầu tiên của ngành y tế là việc quyết định ngưng 5 tháng (ở Bình Phước ngưng 6 tháng) không tiêm vắc-xin cho trẻ, khiến những gia đình có trẻ đã được tiêm lẫn những gia đình có trẻ chưa được tiêm đều lo lắng, bất an. Tiếp đến, tại một số bệnh viện, cơ sở y tế, nhân viên y tế đã yêu cầu người nhà của trẻ sơ sinh phải ký vào bản cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố. Trong khi Thông tư số 23 của Bộ Y tế nói rõ: Công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng mà ở đây, vai trò chính là của cán bộ y tế. Cụ thể, từ tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển vắc-xin đến thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ... là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế ở đó. Việc các bệnh viện, cơ sở y tế yêu cầu người dân ký vào giấy cam kết như vậy có khác nào chối bỏ trách nhiệm, đẩy rủi ro hoàn toàn về phía bệnh nhân!?

Sự lúng túng tiếp theo là Bộ Y tế quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ sơ sinh trở lại từ đầu tháng 11. Thế nhưng thay vì tiêm tập trung vào một ngày như trước đây thì bây giờ, bộ này quy định kéo dài thời gian tiêm chủng từ 5 đến 7 ngày/đợt và mỗi ngày chỉ tiêm tối đa 50 liều. Chính sự dè dặt của Bộ Y tế trong việc quy định thời gian tiêm chủng mỗi đợt và số lượng trẻ được tiêm chủng mỗi ngày đã lại làm dấy lên sự băn khoăn, lo ngại trong các bậc phụ huynh.

Một câu hỏi đặt ra là, có phải Bộ Y tế cũng chưa hoàn toàn tự tin khi quyết định tiêm chủng trở lại cho trẻ bằng loại vắc-xin Quinvaxem - dù đã được Tổ chức Y tế thế giới kiểm định chất lượng - nên mới kéo dài thời gian, hạn chế số lượng tiêm mỗi ngày để giảm thiểu thiệt hại về người khi có sự cố xảy ra!?  

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu