Thứ 2, 20/05/2024 03:20:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:11, 07/11/2013 GMT+7

Quen tai!

Thứ 5, 07/11/2013 | 07:11:00 123 lượt xem

Chỉ trong mấy ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh ta và cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, để lại nỗi đau dai dẳng không chỉ cho gia đình những người bị nạn.

Với người dân trong tỉnh, vụ chìm xuồng trên sông Măng, xảy ra ngày 23-10, làm chết 7 phụ nữ người dân tộc thiểu số đã để lại nỗi cảm thương sâu sắc đối với những gia cảnh vốn đã nhiều cơ cực, khốn khó. Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về hoàn cảnh đáng thương của gia đình những người bị nạn và phân tích, mổ xẻ nguyên nhân các vụ tai nạn. Và đến lúc này thì các cụm từ như tăng cường tuần tra, đẩy mạnh kiểm soát, xử lý nghiêm minh, quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, kịp thời ngăn chặn... lại được nhắc đi nhắc lại ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng trong hoàn cảnh vô cùng thương tâm của gia đình những người bị nạn; trong sự rối ren tìm kiếm người đã chết và từng bước khắc phục hậu quả vụ tai nạn của chính quyền địa phương, dường như không mấy ai còn bụng dạ nào để ngẫm nghĩ, vì những lời lẽ này đã quá quen tai mà người dân vẫn thường được nghe sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Câu phương ngôn “Mất bò mới lo làm chuồng” mà nhiều người nhắc đến trong hoàn cảnh này có khác nào lời trách cứ đối với các cơ quan chức năng khi mà sự buông lỏng quản lý trong các lĩnh vực liên quan tới trật tự an toàn xã hội và sinh mạng của con người vẫn cứ là “truyện dài nhiều tập”!

Rồi những ngày qua, vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường dù chưa được cấp phép hành nghề vẫn ngang nhiên phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực, dẫn tới cái chết của khách hàng lại thu hút sự quan tâm của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước bởi mức độ nghiêm trọng của nó. Điều trị và dẫn đến chết người là ngoài ý muốn. Và dù chết trong lúc làm đẹp hay chết trong lúc chật vật mưu sinh như những người phụ nữ dân tộc thiểu số trên sông Măng thì cái chết nào cũng đều để lại những nỗi đau! Nhưng điều khiến cả xã hội phải sững sờ và căm phẫn là chủ cơ sở - một bác sĩ lâu năm, giỏi nghề lại thực hiện hành vi không giống của con người, vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang. Và tới lúc này, Sở Y tế Hà Nội và nhiều tỉnh, thành mới vội vã thanh tra, kiểm tra để rồi phát hiện hàng loạt cơ sở thẩm mỹ viện khác không có giấy phép hành nghề. Theo đó, những cụm từ đã nói ở trên lại được nhắc lại: Sẽ chấn chỉnh, sẽ tăng cường, quyết liệt kiểm tra, sẽ và sẽ...

Chia sẻ với gia đình nạn nhân trên các trang mạng xã hội, có bạn đọc đã viết: Gia đình tôi đổ vật liệu xây dựng để làm lại cổng và tường rào. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau đã thấy đội trật tự đô thị đến lập biên bản và... phạt. Vậy mà rất nhiều cơ sở thẩm mỹ không giấy phép vẫn hoạt động công khai, lại còn quảng cáo rùm beng trên đài, trên báo mà cơ quan chức năng không biết thì vô lý quá!

Làm thế nào để không phải chờ tới khi hậu họa chết người xảy ra và cách hành xử vô nhân tính như vị bác sĩ kia thì các cơ quan chức năng mới lại thanh tra, kiểm tra và xử lý? Làm thế nào để những người đứng đầu ngành không còn phải ngượng ngùng nói lời xin lỗi và người dân không còn phải nghe những cụm từ rất quen tai nhưng chẳng mang lại lợi ích gì!?

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu