Thứ 2, 20/05/2024 00:19:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:48, 05/11/2013 GMT+7

Con dao hai lưỡi

Thứ 3, 05/11/2013 | 08:48:00 157 lượt xem

Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua ngày 29-11-2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006. Tại hai Điều 54 và 55 của luật này quy định chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Trong đó nhấn mạnh “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm

về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách” (Khoản 1, Điều 54); “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (Khoản 1, Điều 55).

Rõ ràng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là vô cùng quan trọng trong đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng. Cha ông ta đã đúc kết “nhà dột từ nóc”, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nếu người đứng đầu nghiêm minh, trong sạch thì chắc chắn tình trạng tham nhũng tại cơ quan, đơn vị đó sẽ không còn “đất sống”, hoặc có thì cũng chỉ là những vụ việc lẻ tẻ, lặt vặt. Ngược lại, nếu người đứng đầu buông lỏng quản lý, bè phái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ. Những vị “công bộc” này sẵn sàng “bắt tay”, “đi đêm” với các đối tác, dùng đủ “mưu ma chước quỷ” để tham ô, tham nhũng và lách luật nhằm qua mặt các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng ta đã sử dụng rất nhiều biện pháp để đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng kết quả vẫn “chưa đạt yêu cầu”. Tham nhũng ngày càng lan rộng, ăn sâu vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thậm chí tại một số địa phương, tham nhũng còn “ăn” cả vào việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Có đại biểu Quốc hội đã chua chát cho rằng, bây giờ “sờ” đâu cũng thấy tham nhũng...

Theo ý kiến cá nhân tôi, một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra lại bắt nguồn từ... Luật Phòng, chống tham nhũng. Như đã phân tích ở trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng tại nơi mình được giao quản lý. Vì sợ trách nhiệm nên những người đứng đầu chẳng dại gì “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu chẳng may bị các cơ quan bảo vệ pháp luật “khui” ra tham nhũng thì sẽ đưa ra đủ các lý do để xin “xử lý nội bộ”, “đóng cửa bảo nhau”. Nếu nghiêm trọng thì họ lại chuyển sang “chạy” để thay đổi tội danh, ví dụ từ tội tham nhũng thành tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước... để giảm tội.

Tục ngữ Việt Nam có câu “tội gia quy trưởng”, nghĩa là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong gia đình, rộng ra là trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương... Những người đứng đầu nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cán bộ cách mạng tức là làm đầy tớ của nhân dân... vì vậy phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần phải xử lý nghiêm những người đứng đầu nếu tham nhũng và có hành vi bao che cho cấp dưới tham nhũng. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, sát thực tế; tránh những quy định không khả thi, chỉ tồn tại... trên giấy.                  

C.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu