Thứ 2, 20/05/2024 01:23:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:06, 02/10/2013 GMT+7

Thưởng và phạt

Thứ 4, 02/10/2013 | 10:06:00 145 lượt xem

Thưởng và phạt là công cụ, là chế tài quan trọng, hữu hiệu trong công tác lãnh đạo cũng như quản lý, nhất là ở phạm vi toàn xã hội. Và từ xưa tới nay chúng ta vẫn thường nói rằng, việc thưởng và phạt phải chính xác, kịp thời, công bằng thì mới có tác dụng khuyến khích, động viên người giỏi, người tốt đồng thời răn đe, ngăn ngừa kẻ xấu.

Nói là vậy, nhưng với nhiều quy định hiện hành, thì cho dù “chính xác, kịp thời, công bằng” thì việc thưởng phạt cũng hạn chế tác dụng. Ví dụ như mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức công bố khen thưởng cho ba cá nhân (chị Hoàng Thị Nguyệt, chị Khuất Thị Định và chị Phan Thị Nam Đông) đã dũng cảm tố cáo về những sai phạm động trời tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. Hình thức khen thưởng mà ba cá nhân trên được nhận là mỗi người một giấy khen cùng với số tiền 320 ngàn đồng. Mức khen thưởng này được áp dụng theo Điều 75, trong Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Thi đua khen thưởng. Ngay sau khi bản tin trên của Đài Truyền hình Việt Nam được phát, dư luận rất đồng tình với việc làm chính xác và kịp thời của Sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, ngay sau đó đã có không ít người tỏ ra không hài lòng về số tiền thưởng cho mỗi cá nhân. Thậm chí có người còn cho rằng với mức thưởng như vậy sẽ gây ra phản ứng không tốt trong dư luận.

Có thể nói rằng, hành động dũng cảm của ba cá nhân ở Bệnh viện huyện Hoài Đức đã kịp thời cứu sống nhiều người. Vì nếu không bị phát hiện thì sẽ còn biết bao nhiêu người sử dụng thuốc để điều trị căn bệnh không phải là của mình. Thế nhưng, mức tiền thưởng mà họ nhận được chỉ bằng 1/3 mức tiền phạt của hành vi vượt đèn đỏ nhưng chưa gây hậu quả gì. Cụ thể là theo quy định tại mục 2 Khoản 5, điểm c trong Nghị định số 71/2012/NĐ-CP có quy định như sau: 5. Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây: c) Vượt xe trong những trường hợp cấm vượt,... Nếu so sánh mức phạt trên với số tiền thưởng mà ba cá nhân được nhận là quá hình thức và thật đáng buồn.

Về hình thức và mức tiền thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP giữa Bộ Nội vụ và Tổng thanh tra Chính phủ đã đưa ra bốn mức thưởng như sau: Thứ nhất là tặng Huân chương Dũng cảm và tiền thưởng bằng 30 lần mức lương tối thiểu chung. Thứ hai là tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và tiền thưởng 20 lần mức lương tối thiểu chung. Thứ ba là tặng bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và tiền thưởng 10 lần mức lương tối thiểu chung. Thứ tư là tặng giấy khen và tiền thưởng bằng 3 lần mức lương tối thiểu chung. Theo quy định này, đối với người có công phát hiện và tố cáo tham nhũng và sau đó Nhà nước thu hồi được hàng trăm triệu đồng hoặc hàng chục tỷ đồng, nhưng chỉ được nhận mức thưởng là hơn 30 triệu đồng (30 lần lương tối thiểu), thì liệu có tương xứng, có khuyến khích mọi người tích cực chống tiêu cực?

Từ thực tế trên cho thấy, đã đến lúc chính sách thưởng phạt phải thực sự mang lại hiệu quả, kẻ vi phạm dù là ai cũng phải bị xử lý thật nghiêm, người có hành động dũng cảm thì phải được khen thưởng xứng đáng.      

N.N

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu