Chủ nhật, 19/05/2024 23:57:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:43, 25/09/2013 GMT+7

Làm cho có!

Thứ 4, 25/09/2013 | 10:43:00 166 lượt xem

Ngày 17-9, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có Công văn số 1688 gửi Phòng GD-ĐT các huyện, thị và các đơn vị trực thuộc triển khai việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên năm học 2013-2014. Công văn này được ban hành trên cơ sở Công văn số 6100, ngày 6-9 của Bộ GD-ĐT, dù trước đó, bộ này đã có hẳn một Thông tư (số 26/2009/TT-BGDĐT) về việc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên. Như vậy là vấn đề đồng phục của học sinh, sinh viên mà nhiều trường quá máy móc, quá khắt khe trong thực hiện và đã gây nên nhiều phiền toái cho học sinh đã thực sự trở nên bức xúc khiến bộ một lần nữa phải ra tay. Chỉ tiếc là văn bản của Bộ GD-ĐT lại một lần nữa được ban hành quá muộn.

Ai cũng biết ngày khai giảng năm học mới là ngày 5-9. Và ai cũng biết là từ giữa tháng 8, hầu hết các trường đã đón học sinh để chấn chỉnh nề nếp và ôn lại kiến thức cũ. Theo đó, từ sách vở, dụng cụ học tập, áo quần các bậc phụ huynh đã phải lo cho con ngay từ đầu tháng 8. Thực tế là nhiều trường không bắt buộc, nhưng khuyến khích phụ huynh đóng tiền mua đồng phục học sinh tại trường. Ở một số trường có tổ chức bán trú tại thị xã Đồng Xoài, học sinh phải chuẩn bị 7 bộ với 3 loại gồm: 3 bộ đồng phục trên lớp, 1 bộ đồng phục thể dục và 3 bộ đồng phục bán trú. Dù nhà trường chỉ “khuyến khích”, nhưng vì những lý do tế nhị, 100% phụ huynh đã đăng ký mua tại trường. Điều đáng nói là giá bán đồng phục tại trường và tự may bên ngoài chênh lệch khá lớn, trong khi chất lượng vải tương đương, thậm chí kém hơn. Công văn hướng dẫn của bộ, của sở - vì thế mà không phát huy tác dụng triệt để.

Đây chẳng phải lần đầu, văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ban hành chậm trễ, gây thiệt thòi, khó khăn cho một nhóm đối tượng. Từ tháng 12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Theo đó, trẻ mầm non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế được hưởng chế độ lương và bảo hiểm cùng các chính sách khác giống như giáo viên mầm non có cùng trình độ trong biên chế. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2011 và ghi rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Nhưng Bộ GD-ĐT đã quên. Phải đến khi báo chí vào cuộc, Bộ GD-ĐT mới nhớ ra là đã bỏ quên chính sách đối với trẻ em vùng khó và đến giữa tháng 3-2013, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành. Hệ quả là hàng trăm ngàn trẻ em và giáo viên mầm non không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ngay trước năm học này, bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn không chấm điểm học sinh lớp 1 để giảm áp lực tâm lý cho các em. Tuy nhiên, do văn bản được triển khai quá muộn nên ngành giáo dục không tổ chức tập huấn được cho giáo viên cách đánh giá thay thế việc chấm điểm. Và thời điểm này, khi năm học mới bắt đầu được hai tuần lễ, các trường tiểu học, trong đó có cả trường đạt chuẩn mức 2 trên địa bàn thị xã Đồng Xoài vẫn chấm điểm học sinh lớp 1, bởi giáo viên chưa biết đánh giá học sinh thế nào thay cho phương pháp chấm điểm truyền thống!

Với một ngành quan trọng và phức tạp như ngành giáo dục, sự phát sinh các vấn đề trong quá trình quản lý và việc thường xuyên phải điều chỉnh chính sách là không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như đột ngột thay đổi phương pháp quản lý, đánh giá của Bộ GD-ĐT khiến nhiều người liên tưởng đến cách làm việc thụ động, chỉ làm cho có!                     

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu