Thứ 2, 20/05/2024 02:33:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:06, 20/09/2013 GMT+7

Quản lý dạy thêm, học thêm không khó!

Thứ 6, 20/09/2013 | 10:06:00 184 lượt xem

Mới vào đầu năm học mà mấy cháu trong gia đình tôi đã được bố mẹ cho đi học thêm. Cháu nào ở bậc tiểu học thì học thêm Anh văn, Toán. Cháu nào đã THCS, THPT thì học thêm Toán, Lý; có cháu học cả 4 môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn. Thực ra, việc học thêm của các cháu luôn song hành với học chính khóa và kéo dài suốt cả thời gian các trường nghỉ hè. Hỏi sao phải làm khổ con như vậy thì bố mẹ các cháu cho hay: Con người ta học thêm cả, con mình không học thì sao theo kịp!

Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra dạy thêm, nhưng lại có thể tham gia giảng dạy tại các trung tâm. Vì thế, ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đã phổ biến tình trạng lách luật là người ta “dựng” lên các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Các trung tâm đó thuê phòng học của các trường trong dịp hè và thuê chính giáo viên của trường đó giảng dạy. Rốt cuộc, dù nghỉ hè nhưng có đến 80% giáo viên của các trường tham gia giảng dạy cho các trung tâm và cũng có chừng đó số học sinh đăng ký học thêm cũng bởi tâm lý “người ta học thì mình cũng phải học”!

Có lẽ tình trạng dạy thêm học thêm đã trở nên nhức nhối nên trung tuần tháng Tám vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi giám đốc các Sở GD-ĐT hướng dẫn chuẩn bị khai giảng năm học mới, trong đó có nội dung yêu cầu các sở giáo dục kiểm tra chặt chẽ việc quản lý dạy thêm, học thêm. Theo đó, cùng với việc tổng kết năm học, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã có báo cáo chuyên đề về tình hình dạy thêm, học thêm năm học vừa qua và dành hẳn nửa ngày để bàn thảo về nội dung này.

Chẳng biết thực chất tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn toàn tỉnh thế nào, nhưng cứ theo báo cáo của Sở GD-ĐT thì Bình Phước có lẽ phải đứng nhất cả nước về quản lý dạy thêm, học thêm. Bởi toàn tỉnh chỉ có 122 cơ sở đang hoạt động dạy thêm, trong đó 118 cơ sở trong nhà trường và chỉ có... 4 cơ sở ngoài nhà trường. Điều rất phấn khởi là tất cả các cơ sở này đều có đăng ký và được Sở GD-ĐT cấp phép dạy thêm đúng quy định. Tất cả các trường và cơ sở đăng ký dạy thêm đều không để xảy ra tình trạng cắt xén chương trình chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm ngoài giờ, dạy trước chương trình tại các lớp học thêm. Cũng theo báo cáo, trong năm học vừa qua, Thanh tra Sở GD-ĐT đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại 3 huyện, thị, nhưng chỉ phát hiện và xử lý kỷ luật... 1 giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định. Với một tỉnh có tới gần 500 trường, hơn 200 ngàn học sinh mà chỉ có chừng ấy cơ sở dạy thêm, trong đó chỉ có 1 người vi phạm thì quả là rất hiếm!

Bản chất của việc dạy thêm chẳng có gì xấu. Nó chỉ xấu đi khi người ta lợi dụng dạy thêm để trục lợi và trút gánh nặng tiền bạc lên vai phụ huynh, trút gánh nặng tinh thần lên vai học sinh - vốn đã quá khổ vì chương trình học nặng nề. Việc quản lý dạy thêm, học thêm - nói cho cùng không khó, bởi mỗi giáo viên hoặc nhóm giáo viên muốn tổ chức dạy thêm thì chí ít phải có phòng học, vài bộ bàn ghế và sự hiện diện của học sinh. Việc dạy học, dù là dạy thêm cũng phải ở nơi có ánh sáng và ắt hẳn nhiều người nhìn thấy. Vì thế, quản lý dạy thêm, khó nhất chỉ là ở quyết tâm của ngành giáo dục mà thôi!                                         

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu