Thứ 2, 20/05/2024 03:44:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 22:02, 31/08/2013 GMT+7

“Quá tải” án quá hạn - Vì sao?

Thứ 7, 31/08/2013 | 22:02:00 213 lượt xem

Một người bạn ở Tòa án Nhân dân tỉnh đã thông tin cho tôi biết: Hiện ngành tòa án Bình Phước đang trong tình trạng “quá tải” án quá hạn luật định. Minh chứng cho điều này, người bạn đã cho tôi xem báo cáo sơ kết tình hình hoạt động của ngành tòa án Bình Phước trong 6 tháng đầu năm nay. Báo cáo cho biết, trong 6 tháng, số án quá hạn luật định của toàn ngành lên tới 234 vụ, trong đó ở cấp tỉnh có 10 vụ và cấp huyện 224 vụ. Nếu so với số thẩm phán của toàn ngành hiện có thì mỗi vị thẩm phán ở Bình Phước đang phải gánh 4 vụ án quá hạn luật định và quả là “quá tải”.

Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu? Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “quá tải” này. Thứ nhất là đối với án hình sự, nguyên nhân do trong vụ án có nhiều bị cáo phạm tội ở nhiều nơi và bị nhiều tòa án khác nhau thụ lý giải quyết, nên các bị cáo bị tạm giam ở nhiều trại giam ở các tỉnh, thành phố khác nhau, từ đó dẫn đến việc trích xuất các bị cáo gặp nhiều khó khăn, tốn kém thời gian và kinh phí. Bên cạnh đó, có nhiều vụ án phức tạp và nhiều bị cáo, số lượng bút lục nhiều nên phải cần nhiều thời gian nghiên cứu dẫn đến án quá hạn tăng dần.

Thứ hai là đối với án dân sự, án hôn nhân gia đình, nguyên nhân chủ yếu là do án có liên quan đến quyền sử dụng đất; án phải chờ kết quả ủy thác thu thập chứng cứ của tòa án khác; tài sản tranh chấp trong các vụ án hôn nhân và gia đình hoặc dân sự nằm ở nhiều địa phương khác nhau;... Hoặc án có bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình trốn tránh. Ngoài ra, có một số vụ án phải chờ kết quả trả lời của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền mới có cơ sở giải quyết, như: chờ văn bản trả lời của UBND huyện trong giải quyết các loại đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hay chờ kết quả giám định chữ viết, chữ ký của cơ quan giám định trong các vụ án liên quan đến vay tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cuối cùng là do số vụ án thụ lý tăng nhiều, trong khi số lượng thẩm phán có hạn, hoặc án có liên quan đến nhiều lĩnh vực...

Thứ ba là án kinh doanh thương mại thường có liên quan đến nhiều người, nhiều người dùng tài sản đảm bảo cho bên vay và ở nhiều địa phương khác nhau nhưng địa chỉ không rõ ràng nên rất khó khăn và tốn thời gian khi thu thập chứng cứ, triệu tập đương sự.

Nguyên nhân thứ tư là do trình độ của đội ngũ thẩm phán chưa đồng đều. Một số thẩm phán mới được bổ nhiệm nên chưa có kinh nghiệm và chuyên môn chưa sâu. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, tổng số án bị hủy và bị sửa của toàn ngành là 26 vụ, trong đó cấp tỉnh bị hủy 5 vụ, cấp huyện bị hủy 21 vụ và số án bị sửa là 36 vụ, chiếm tỷ lệ 1,53% trên tổng số án đã giải quyết.

Còn án quá hạn luật định cũng có nghĩa là còn nhiều người có quyền lợi hợp pháp chưa được giải quyết kịp thời và quan trọng hơn nữa là tính nghiêm minh của pháp luật chưa được bảo đảm. Đã thấy rõ nguyên nhân, nhưng nếu không có giải pháp hữu hiệu và sự nỗ lực của mỗi thẩm phán, thì tình trạng “quá tải” án quá hạn luật định ở Bình Phước vẫn còn tiếp diễn.             

Đức Hùng (thị xã Đồng Xoài)

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu