Thứ 2, 20/05/2024 00:19:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:36, 28/08/2013 GMT+7

Dân chủ quá trớn!

Thứ 4, 28/08/2013 | 09:36:00 2,361 lượt xem

>> Sự thật về “gương điển hình chống tiêu cực... bị buộc thôi việc”

Ngay sau khi Báo Bình Phước đăng bài “Sự thật về gương điển hình chống tiêu cực... bị buộc thôi việc”, Tòa soạn đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh. Hả hê, đó là cảm xúc chung của những độc giả gọi đến Tòa soạn khi mà một số trong rất nhiều vấn đề đã và đang gây bức xúc trong môi trường làm việc của ngành y tế tỉnh được nêu thẳng tên, thẳng việc công khai trên báo. Trong phạm vi bài viết này, xin chưa bàn đến cảm xúc của độc giả cũng như những vấn đề của ngành y mà chỉ bàn đến sự dân chủ quá trớn trong vấn đề khiếu kiện mà nhân vật trong bài chỉ là một ví dụ.

Chẳng riêng gì bà Oanh - nhân vật được nêu trong bài báo, trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, đã có rất nhiều người lợi dụng dân chủ để thực hiện ý đồ cá nhân nhằm “đánh đu” quyền lợi cho riêng mình, hoặc để gây rối loạn cơ quan, mất đoàn kết nội bộ, hoặc để bôi nhọ, hạ bệ một ai đó mà mình không ưa. Thông thường, nếu vì quyền lợi cá nhân mà khiếu kiện thì dù việc khiếu kiện không thành cũng có vẻ dễ thông cảm hơn. Nhưng còn việc khiếu kiện vì động cơ gây rối loạn cơ quan, gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để bôi nhọ ai đó thì từ cổ chí kim, rất khó được cảm thông, chấp nhận. Có người biết lãnh đạo cơ quan hoặc đồng nghiệp làm sai nhưng không góp ý phê bình mà cứ “để dành” rồi chờ cơ hội thuận lợi thì làm đơn tố cáo. Có người một đời công chức chuyển công tác tới vài ba cơ quan nhưng đến đâu thì bới móc, khiếu kiện ở đó. Họ khiếu kiện không phải vì “công bằng xã hội” mà là để “làm nổi”, phá đám. Họ cứ nhân danh “dân chủ”, “xây dựng” để thực hiện ý đồ cá nhân của mình. Và số đông thường ngại va chạm với những người như thế, theo tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Kết quả là các cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức để điều tra sự việc. Cơ quan hoặc tập thể, cá nhân bị tố cáo thì căng thẳng tâm lý, không thể toàn tâm toàn ý với công việc. Rồi nội bộ cơ quan nghi kỵ lẫn nhau... và có khi đến mất đoàn kết.

Tố cáo những việc làm sai của cá nhân, tập thể để đấu tranh chống tiêu cực là hành động dũng cảm, hy sinh quyền lợi cá nhân mà chỉ rất ít người có đủ tấm lòng và dũng khí để làm. Thời gian qua đã có rất nhiều tấm gương như thế được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và báo chí tôn vinh. Gần đây nhất là tấm gương chị Hoàng Thị Nguyệt cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã kịp thời được Thành ủy Hà Nội biểu dương khi chị làm đơn tố cáo giám đốc bệnh viện cùng ê kíp của mình đã “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu để trục lợi.

Từ thời phong kiến, ở mỗi phủ người ta để một cái trống. Người dân đến khiếu kiện thì đánh một tiếng trống. Lính lệ tiếp nhận nội dung tố cáo, đồng thời tạm giam người tố cáo lại. Khi kết quả điều tra đúng như nội dung tố cáo thì quan phủ sẽ thả người tố cáo ra và xét xử theo đúng tội danh. Nếu tố cáo sai thì người tố cáo sẽ bị giam luôn. Thời xưa là vậy nhưng nếu áp dụng vào thời nay thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều những trường hợp vu khống, tố cáo sai sự thật.

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu