Chủ nhật, 19/05/2024 23:57:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:46, 27/08/2013 GMT+7

Nợ BHXH - cần biện pháp mạnh hơn

Thứ 3, 27/08/2013 | 16:46:00 172 lượt xem

Những năm gần đây và đặc biệt là từ đầu năm 2012 đến nay, tình trạng doanh nghiệp chậm nộp, trốn đóng BHXH tăng đột biến. Nhiều doanh nghiệp dùng thủ đoạn tinh vi để trốn tránh trách nhiệm, như: Trốn đóng BHXH bằng cách không ký hợp đồng với người lao động (hợp đồng miệng), ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp (hợp đồng thời vụ), đồng thời thường xuyên thay đổi địa điểm để trốn tránh các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, có doanh nghiệp thường xuyên không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc bằng cách báo số lượng không đúng thực tế, hoặc chỉ đăng ký đóng BHXH cho một số lãnh đạo quản lý, nhân viên thuộc khối văn phòng. Lại có doanh nghiệp “lách luật” bằng cách đóng không đúng thời gian và mức quy định, cố tình chây ỳ, chấp nhận chịu phạt tiền chậm đóng do mức lãi suất phạt chậm đóng thấp và chỉ đóng BHXH trên cơ sở mức lương, tiền công thấp hơn mức thực tế của người lao động, chủ yếu chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng. Thậm chí, có trường hợp chủ doanh nghiệp trích trừ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động nhưng không nộp. Khi bị phát hiện thì doanh nghiệp chỉ nộp một ít mang tính chất đối phó và hứa trả dần.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, số tiền nợ BHXH trong cả nước đã lên đến 1.200 tỷ đồng. Còn ở Bình Phước, số tiền này cũng đã hơn 70 tỷ đồng. Riêng Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (TX. Đồng Xoài) đã nợ đến 1.566.011.303 đồng, trong đó tiền nợ BHXH là 1.274.652.324 đồng, nợ bảo hiểm y tế là 101.686.040 đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 45.194.040 đồng và tiền lãi do chậm nộp các khoản tiền trên là 144.479.303 đồng. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có hai nguyên nhân chính: Trước hết là do chủ doanh nghiệp nắm được tâm lý người lao động cần việc làm, thu nhập và nhận thức về pháp luật cũng như quyền lợi của mình về chính sách bảo hiểm chưa đầy đủ. Hơn nữa, người lao động mới có việc làm rất cần giải quyết thu nhập trước mắt để tồn tại mà chưa cần tích lũy cho tương lai. Thứ hai là các chế tài để ngăn chặn hành vi này chưa đủ mạnh. Cụ thể là hiện lãi suất chậm đóng BHXH phải trả thấp hơn lãi suất ngân hàng, nên chủ doanh nghiệp chẳng “dại” gì mà không chiếm dụng, để khỏi phải vay ngân hàng với lãi suất cao hơn. Và điều này làm cho người lao động không được hưởng các chế độ BHXH đầy đủ.

Để ngăn chặn tình trạng trên, trước tiên người lao động cần hành động để bảo vệ mình như: tìm hiểu kỹ các chế độ, chính sách lao động, Luật BHXH, sau thời gian thử việc, đề nghị công ty làm thủ tục đăng ký BHXH; sau đó thường xuyên quan tâm về số sổ BHXH đã đăng ký. Bên cạnh đó, ngành BHXH cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như: Đối chiếu, thông báo kết quả thực hiện đóng BHXH, bảo hiểm y tế hằng tháng, tính lãi phạt chậm đóng đối với các đơn vị sử dụng lao động tham gia, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành... Đối với những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài sẽ có các chế tài xử phạt nghiêm, khởi kiện, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoạt động sản xuất.      

Vĩnh Bình

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu