Thứ 2, 20/05/2024 02:53:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 21:20, 23/08/2013 GMT+7

Hy vọng không phải là “thử nghiệm”!

Thứ 6, 23/08/2013 | 21:20:00 170 lượt xem

Chỉ còn gần hai tuần lễ là bước vào năm học mới 2013-2014. Một sự kiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa có Văn bản số 5478/BGDĐT-GDTH gửi các sở GD-ĐT, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới. Tại văn bản này, bộ yêu cầu đối với học sinh lớp Một, ngoài bài kiểm tra cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không chấm điểm trong quá trình dạy học, đồng thời không được so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh, động cơ nào. Việc làm này nhằm giảm áp lực tâm lý đối với học sinh lớp Một.

Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về chủ trương mới của Bộ GD-ĐT. Đa số các bậc phụ huynh và người làm công tác quản lý giáo dục đồng tình. Nhưng còn những giáo viên trực tiếp giảng dạy thì có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Trước hết, sự không đồng thuận là do đã cận kề năm học, bộ mới đưa ra chủ trương nên giáo viên không có thời gian chuẩn bị tâm lý cũng như tập huấn phương pháp nhận xét thay cho chấm điểm. Thêm vào đó, việc nhận xét từng học sinh trước lớp theo đúng yêu cầu của bộ sẽ mất nhiều thời gian hơn là chấm điểm, giáo viên phải đầu tư suy nghĩ nhiều hơn để tránh nhận xét chung chung, trùng lắp, chưa kể còn phải chuyển nhận xét đến từng phụ huynh, trong khi có những trường, mỗi lớp Một có tới năm mươi học sinh.

Còn đối với các bậc phụ huynh, việc không chấm điểm sẽ không còn khiến họ phải lo cho con đi học trước nữa. Nhiều người cho rằng nguyên nhân của việc dạy - học trước chương trình lớp Một từ trước tới nay là do việc chấm điểm ngay khi học sinh bước vào lớp Một. Trong lớp, giáo viên thường có sự so sánh các em biết đọc, biết viết trước với những em chưa biết đọc, biết viết khiến nhiều em tự ti vì thua kém bạn bè, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em. Điều này khiến phụ huynh bị áp lực, phải bằng mọi giá cho con đi học trước.

Còn nhớ cách đây hai năm, trường Tiểu học Chu Văn An ở quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã thí điểm thực hiện việc học sinh lớp Một không phải đeo cặp đến trường và không phải làm bài tập ở nhà vào buổi tối. Mỗi học sinh có một ngăn để đồ tại trường và các em tự soạn sách vở lên lớp mỗi ngày, cuối tuần mới đem cặp sách về để bố mẹ kiểm tra và nhắc nhở, điều chỉnh các em khi thấy cần thiết. Điều này vừa tạo sự thoải mái cho các em, vừa rèn tính độc lập ngay từ những ngày đầu các em bước vào bậc tiểu học, được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ và thực tế là không chỉ chất lượng giáo dục mà thể chất của học sinh trường này đã có sự cải thiện tích cực hơn nhiều so với trước khi thí điểm.

Việc Bộ GD-ĐT ra văn bản yêu cầu không chấm điểm học sinh lớp Một, không so sánh giữa những em học trước với những em chưa đi học đã thể hiện một cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, thực chất hơn về công tác giáo dục đối với học sinh lớp Một - một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng khi các em từ môi trường mầm non bước vào môi trường tiểu học. Chỉ hy vọng lần này Bộ GĐ-ĐT không “thử nghiệm” như đã từng lấy học sinh ra thử nghiệm rất nhiều lần trước đó! 

L.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu