Thứ 2, 20/05/2024 02:03:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:28, 22/08/2013 GMT+7

Y đức đang bị lung lay

Thứ 5, 22/08/2013 | 07:28:00 177 lượt xem

Thời gian gần đây, những vụ bê bối liên tục xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập đã và đang tạo thành hồi chuông báo động về vấn đề “y đức” trong xã hội hiện nay? Và cũng chính những sự cố này đã làm niềm tin của xã hội đối với ngành y bị lung lay dữ dội.

Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vừa mở phiên xét xử sơ thẩm hình sự bị cáo Đỗ Thị Hường, ngụ phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại phiên tòa, bị cáo Hường khai đã thực hiện hành vi thuê 11 thẻ BHYT dành cho người nghèo rồi thuê một số bệnh nhân đang điều trị hen suyễn, cao huyết áp, đau khớp, đau lưng... đi khám, chữa bệnh. Người được thuê dùng thẻ BHYT và sổ khám bệnh do bị cáo Hường cung cấp, sau đó đến bệnh viện và mang thuốc tây về, bị cáo sẽ thanh toán cho họ 5% đến 10% tiền thuốc theo hóa đơn. Còn thuốc thì bị cáo đem bán để hưởng chênh lệch. Bằng thủ đoạn trên, Hường đã trục lợi trên 82 triệu đồng.

Tiếp đó, vào ngày 17-7 vừa qua, ba trẻ sơ sinh bị chết sau khi được tiêm vắc-xin viêm gan B ở Bệnh viện huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Gần đây nhất là vào ngày 4-8, chị Lữ Thị Lâm Quy ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trở dạ và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu. 30 phút sau, nhân viên y tế bồng bé trai nặng 700g đưa cho người nhà mang về lo hậu sự. Lúc tắm cho cháu trước khi chôn, người nhà giật mình thấy đứa trẻ thân hình tím ngắt cựa quậy nên đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện nhi Quảng Nam.

Trên trang nhất báo Tuổi Trẻ số ra sáng thứ Tư 7-8 đã đăng một tin “động trời” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội: Hàng ngàn người xài chung kết quả xét nghiệm. Theo bài báo, có khoảng 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện này được dùng chung cho khoảng hơn 2.000 bệnh nhân. Trong số đó có rất nhiều nhóm (từ 3-4 người, thậm chí 5 người) có chung chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm... Đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định, vụ “động trời” này không đơn giản là sai sót về chuyên môn như lý giải của những người trong cuộc mà là giả mạo, gian lận, gây hậu quả nghiêm trọng.

Chắc chắn sẽ còn nhiều những câu chuyện khuất tất khác đã và đang xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện, từ việc nâng giá thuốc, lạm dụng yêu cầu xét nghiệm hay “nuôi bệnh” để trục lợi... Vẫn biết rằng không thể lấy một vài trường hợp riêng lẻ để quy kết chung về một ngành nghề, nhưng những sự cố như trên cứ liên tục xảy ra không khỏi khiến cho người dân lo lắng và đặt nghi vấn về hoạt động của hệ thống y tế hiện nay. Và dư luận cho rằng những vụ việc trên đây không đơn thuần chỉ là do sơ sót nghề nghiệp hay thiếu trách nhiệm, mà đó là sự xuống dốc đến mức báo động về “y đức”, là sự vô cảm của một số người mặc áo blouse trắng mà xã hội vẫn tôn vinh là “thầy thuốc”? Làm gì để người dân yên tâm đặt sinh mệnh và sức khỏe của mình vào bàn tay chăm sóc của thầy thuốc? Rất mong những nhà quản lý trong ngành y tế sớm có câu trả lời.                   

N.N

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu