Thứ 2, 20/05/2024 04:04:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:38, 12/04/2013 GMT+7

Một tin vui và một tin buồn

Thứ 6, 12/04/2013 | 10:38:00 255 lượt xem

Mấy ngày gần đây, có hai sự kiện trong ngành giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là việc hàng trăm học sinh của trường THPT Nguyễn Hiền (thành phố Hồ Chí Minh) hò reo xé sách giáo khoa và đề cương môn Lịch sử ném xuống sân trường ngay sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố môn Lịch sử không thi tốt nghiệp, rồi quay clip phát tán lên mạng. Sự kiện thứ hai là một giáo viên tiểu học ở Hà Nội ra đề thi môn Tiếng Việt “nhập vai một em nhỏ có bố là thuyền viên trên chiếc tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị Trung Quốc bắn cháy ca-bin, con hãy viết một bức thư gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc để bộc lộ cảm xúc và ước mong”. Kết quả là cộng đồng mạng đã được đọc những bài văn rất hồn nhiên nhưng cũng rất tâm huyết của học sinh tiểu học về lòng yêu nước, tự tôn và tự hào dân tộc.

Với sự việc thứ nhất, nhiều người đã lo lắng và đặt câu hỏi vì đâu nên nỗi? Phải chăng nền giáo dục Việt Nam đã hoàn toàn suy sụp, khi học sinh quay lưng với môn Lịch sử. Bởi dẫu môn Lịch sử không thể giúp học sinh dễ dàng kiếm việc làm khi ra trường như môn Tiếng Anh hay một vài môn khoa học khác, nhưng đó là môn dạy cách ứng xử, dạy lòng yêu nước và dạy làm người.

Nhớ lại các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học những năm trước, rất nhiều thí sinh ngồi vẽ hươu vẽ vượn lên giấy trong giờ thi môn Lịch sử và có vô số điểm thấp, điểm không ở môn thi này. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục, rằng vì sao học sinh không thích học lịch sử? Vì sao khối lượng kiến thức môn Lịch sử bậc THPT nhiều như vậy, nhưng số tiết dạy lại ít hơn rất nhiều so với môn Tiếng Anh và các môn khoa học khác? Và vì sao gần đây (năm học 2010-2011 và 2012-2013), Bộ Giáo dục - Đào tạo lại gạt môn Lịch sử ra khỏi chương trình thi tốt nghiệp THPT? Có người đã tự trả lời chua chát, rằng ngành giáo dục đã có một sáng kiến tuyệt vời, ấy là cái gì không làm được thì bỏ, không đổi mới được cách dạy cách học môn Lịch sử thì... bỏ, khỏi thi!

Mang những câu hỏi trên cùng câu chuyện thứ nhất đến cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân, Tổ trưởng bộ môn lịch sử trường THPT Hùng Vương (TX. Đồng Xoài), cô nói một cách xúc động, rằng dù không phải giáo viên trường Nguyễn Hiền, nhưng là giáo viên dạy lịch sử, cô cảm thấy bị tổn thương. Cô cũng không đồng tình với những lập luận cho rằng, học sinh không thích học lịch sử là bởi khô khan, chỉ toàn những sự kiện. Với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ở trường Hùng Vương, có những tiết lịch sử mà trống đánh ra chơi, học sinh vẫn im lặng nghe cô giảng. Với mười ba năm gắn bó với môn Sử, cô Ngân cùng tổ lịch sử ở trường THPT Hùng Vương đã và đang làm cho học sinh nếu không yêu thì cũng không đến nỗi ghét môn học này. Bằng chứng là trường THPT Hùng Vương thường có từ 80% trở lên học sinh đăng ký thi khối C đậu đại học, cao đẳng và kết quả dạy học môn Lịch sử đã góp phần đáng kể vào thành tích giảng dạy của nhà trường. 

Dẫu vẫn còn đó những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho hiện tượng ngày càng ít học sinh thích học môn Lịch sử, Văn học, nhưng tôi đã thấy nhẹ nhõm hơn sau cuộc trao đổi khá dài với cô giáo Ngân. Điều rút ra sau cuộc trao đổi này là, chẳng cứ gì môn Lịch sử, môn Văn, nếu giáo viên không yêu thích, không khổ công thì không thể nào truyền thụ niềm đam mê đến học sinh. Nếu cô giáo tiểu học ở Hà Nội không đầu tư thời gian, công sức và tình cảm để đem đến học sinh những đề văn lạ, không nằm trong chương trình thì làm sao các em có thể bộc lộ được cảm xúc của mình như thế. Những người như cô giáo Ngân, cô giáo tiểu học ở Hà Nội đã và đang góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức của xã hội về văn, về sử - những môn khoa học làm người!

 L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu