Thứ 2, 20/05/2024 02:22:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:50, 08/04/2013 GMT+7

Từ khô hạn, nghĩ về thái độ con người đối với tài nguyên

Thứ 2, 08/04/2013 | 09:50:00 226 lượt xem

Gần một tháng qua, Nam bộ, trong đó có Bình Phước đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của những đợt nắng nóng kéo dài. Cây cối khô héo, ruộng đồng nứt nẻ, các bệnh viện thì quá tải vì bệnh dịch phát sinh do nắng nóng. Giở bất cứ tờ báo nào trong những tuần gần đây cũng đều dày đặc tin tức về tình trạng hạn hán và thiếu nước. Và theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, phải hết tháng năm dương lịch thì Nam bộ mới có mưa.

Bây giờ, đến một học sinh tiểu học cũng có thể thuộc làu làu, rằng nước là tài nguyên, vật liệu quan trọng nhất của loài người và sinh vật trên trái đất. Rằng chúng ta có thể nhịn đói hàng tuần, thậm chí cả tháng nhưng không thể nhịn khát quá 5 ngày. Nước quan trọng đối với cuộc sống của con người như thế, nhưng thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi hiện nay, sự gia tăng dân số kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cho ăn uống và lượng nước cần dùng cho sản xuất. Đồng thời, tác động của con người đến môi trường tự nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng ngày càng mạnh, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.

Nhớ lại chừng mười lăm năm trước, người dân Tây nguyên ồ ạt phá rừng, khoan giếng trồng cà phê bởi nguồn lợi lớn do loại cây này mang lại. Những cánh rừng bạt ngàn đã bị hủy hoại để nhường chỗ cho cây cà phê. Còn ở miền Đông Nam bộ, tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấy đất trồng tiêu, trồng cà phê cũng sôi động không kém. Những mảng xanh bất tận bị chặt phá. Những đồi núi trơ trọi, xám ngắt như mũi dao chọc thẳng vào con mắt. Mất rừng thì không có nước, là sự sống khó khăn, lay lắt. Nhiều người biết thế, nhưng lòng tham và lợi ích trước mắt đã khiến họ không thể nhìn xa hơn. Trong niềm hoan hỉ của sự tăng trưởng, người ta chỉ nhìn thấy nguồn lợi do xuất khẩu cà phê, xuất khẩu hồ tiêu mang lại. Những trang trại cây công nghiệp, cây ăn trái không chỉ mang lại sự ấm no, giàu có cho người dân, cho sự vững mạnh của xã hội mà còn là hình ảnh đặc thù, đại diện của Tây Nguyên, của miền Đông và Bình Phước. Không ai nghĩ sẽ có lúc những đồng tiền do hồ tiêu, cà phê, cao su mang lại không thể mua nổi nguồn nước, mua nổi môi trường sống. Và khi nguồn nước, môi trường sống bị phá vỡ, đến con người còn khó sống, huống gì cây cỏ! Thế nhưng rừng vẫn chảy máu. Và bây giờ hết gỗ, chẳng còn gì để chặt phá thì con người nhòm ngó đến các loại tài nguyên khác. Lại những cuộc hung hăng đào bới trong lòng đất!

Hãy nhìn lên “mái nhà chung” để thấy, trên ấy đang mất dần màu xanh của sự sống. Sẽ cứu được trái đất, nếu chúng ta biết giật mình, dừng lại và bắt đầu lại. Việc cần làm ngay bây giờ là chấm dứt khai phá những cánh rừng còn sót lại và nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu sống khác, một kiểu phát triển khác. Cần chung tay khôi phục lại màu xanh cho những cánh rừng. “Vá” lại lá phổi mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. Để đến trăm, ngàn năm sau, trên mỗi dòng sông, con suối, con cháu chúng ta còn có thể bụm vào lòng bàn tay một ngụm nước trong veo mát lạnh. Và trong khoảnh khắc ấy, chúng nhớ lại đã có một thời, cha ông chúng từng rất dại dột, nhưng đã biết sửa chữa, để cho sự sống mãi trường tồn.

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu