Thứ 2, 20/05/2024 01:24:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:39, 06/04/2013 GMT+7

Chống dịch bệnh thời toàn cầu hóa

Thứ 7, 06/04/2013 | 05:39:00 211 lượt xem

Mấy ngày gần đây, một trong những thông tin nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước thu hút sự theo dõi của nhiều người là tình hình dịch cúm gia cầm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc khiến hai người tử vong. Nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, không để lây lan dịch bệnh cho người và gia cầm, ngày 2-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc và các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.

Có đến 5 nội dung trong công điện, trong đó, việc nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới được đặt lên hàng đầu. Có vẻ như sau đại dịch SARS, dịch cúm A H1N1 rồi H5N1, chúng ta đã rút ra được những bài học, những kinh nghiệm xương máu trong công tác phòng, chống dịch.

Nhớ lại mười năm trước, cả thế giới hoang mang trước sự hoành hành của dịch SARS. Có lẽ hậu quả nặng nề mà dịch SARS gây ra là bởi sự xuất hiện một cách đột ngột và gần như tất cả mọi người đều nghĩ đó chỉ là một loại cúm thông thường. Và chúng ta đã phải trả giá đắt khi không chỉ dân thường mà có tới 6 thầy thuốc tham gia chống dịch tại Bệnh viện Việt Pháp cũng đã chết vì dịch SARS.

Trong lịch sử chống dịch, từng có những thời kỳ mà dịch cúm giết chết hàng vạn người. Các trận dịch tả, dịch hạch có thể tàn sát dân cư của cả một thành phố, một vùng lãnh thổ. Đó là thời kỳ mà y học chưa phát triển, chưa tìm ra nguyên nhân dịch bệnh và cách phòng chống. Còn bây giờ, con người văn minh, y học phát triển. Con người có thể biến những giấc mơ hão huyền trước đây thành hiện thực. Đến cả những người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS cũng có nhiều hy vọng kéo dài sự sống khi rất nhiều tổ chức, quốc gia công bố các nghiên cứu, các thành tựu y học chống lại căn bệnh này. Nhưng cho dù đang sống trong kỷ nguyên mà máy tính có thể giải hàng triệu phép tính trong một giây, loài người vẫn không thoát khỏi nỗi lo sợ trước dịch bệnh. Thậm chí còn lo sợ hơn cả cái thời xe ngựa, máy hơi nước bởi tốc độ lây lan và sự tàn phá siêu khủng của các loại vi rút gây hại. 

Vì sao ư? Vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Một thế giới mở với vô số những cuộc di chuyển, tiếp xúc, giao lưu từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ châu lục này đến châu lục khác. Và nếu không kiểm soát tốt, chỉ sau vài giờ bay là con vi rút H7N9 từ Thượng Hải đã theo chân người bệnh có mặt trên đất Việt Nam!

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác toàn cầu, liệu ta có thể đơn thương độc mã chống lại các loại dịch bệnh, trong đó có dịch SARS, dịch cúm các chủng và nhiều dịch bệnh khác. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này trong công tác phòng chống dịch là chủ động phát huy nội lực, tranh thủ bên ngoài nhưng phải kiểm soát tốt. Có như thế thì cuộc chiến với dịch bệnh ở nước ta mới không trở thành một cuộc rượt đuổi bất tận! 

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu