Thứ 4, 03/07/2024 03:27:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:46, 01/07/2024 GMT+7

Mở rộng quyền của công dân đối với đất đai

Hồ Ngọc
Thứ 2, 01/07/2024 | 05:46:31 381 lượt xem
BPO - Luật Đất đai (sửa đổi) đã được kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18-1-2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Đây là đạo luật được ban hành sau một quá trình lập pháp công phu, kỹ lưỡng, thể chế đầy đủ quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiếp thu có chọn lọc những đóng góp xác đáng của cử tri trong cả nước.

Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”. Vì vậy, một trong những điểm nổi bật nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quản lý đất đai. Theo đó, nếu so với các Luật Đất đai trước đây, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung thêm nhiều nội dung về quyền của công dân đối với đất đai. Cụ thể như tại Điều 23 của đạo luật này đã quy định chi tiết về 6 quyền của công dân đối với đất đai. Trong đó có 2 quyền quan trọng nhất và được cử tri cả nước đồng thuận cao. 

Đó là quyền “tham gia xây dựng, góp ý kiến, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai” và quyền “tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai”. Ngoài quy định về các quyền nêu trên, tại Điều 24, Luật Đất đai năm 2024 còn quy định quyền tiếp cận thông tin về đất đai. Theo đó, công dân được tiếp cận các thông tin về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai… 

Thực tế, quy hoạch đất đai có tác động rất lớn đến quyền sử dụng đất của người dân; các hoạt động thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng, quyền xây dựng công trình trên đất... đều dựa trên quy hoạch đất đai tại địa phương. Để phát huy quyền làm chủ của người dân, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung đầy đủ hơn về quy trình lấy ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Đặc biệt, đối với việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thêm nhiều hình thức lấy ý kiến khác, như: Lấy ý kiến thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, UBND cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, điểm dân cư, trưng bày tại nhà văn hóa các thôn, ấp, tổ dân phố…

Từ những nội dung nêu trên cho thấy, Luật Đất đai năm 2024 đã kế thừa những điểm tiến bộ và khắc phục một số bất cập trong Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, nội dung về bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân từng bước được hoàn thiện, tạo tiền đề quan trọng huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của người dân trong hoạt động quản lý đất đai, góp phần hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quan trọng hơn, việc phát huy cao độ quyền của công dân đối với đất đai không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất mà còn giúp khơi thông nguồn lực phát triển quan trọng này cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn mới.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu