Thứ 7, 27/07/2024 10:54:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:54, 10/06/2024 GMT+7

Chuyện muôn đời của người lớn

Thảo Linh
Thứ 2, 10/06/2024 | 04:54:05 1,779 lượt xem

BPO - Tháng hành động vì trẻ em năm nay chỉ vừa mới bắt đầu thì một sự việc rất đáng tiếc đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Đó là thông tin, hình ảnh về một em học sinh lớp 1 ở Trường tiểu học Gia Lương (Hải Dương) ngồi nhìn các bạn ăn đùi gà, xúc xích trong buổi liên hoan kết thúc năm học trông rất tội nghiệp, vì mẹ của em không đóng tiền quỹ lớp. Bằng sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin hiện đại, những lời qua tiếng lại về sự việc được chia sẻ toàn bộ trên không gian mạng với hai luồng ý kiến. Một luồng chê trách, phản đối mẹ của em vì không chịu đóng 100 ngàn đồng tiền quỹ mà khiến con mình rơi vào hoàn cảnh trớ trêu; một luồng ý kiến thể hiện thái độ tức giận cô giáo chủ nhiệm đã hành xử thiếu văn hóa, thiếu nhân văn, thậm chí có người còn sôi sục đòi đuổi việc cô chủ nhiệm, cách chức hiệu trưởng!?

Vì sao cộng đồng mạng lại sôi sục vì một đứa trẻ không được ăn cùng như các bạn? Vì trẻ em như búp trên cành, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước.  Tất cả mọi chính sách, mọi hoạt động liên quan đến trẻ em đều thuộc trách nhiệm của cả cộng đồng chứ không riêng ngành, lĩnh vực nào. Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định: “Chính phủ sẽ hành động quyết liệt, thiết thực chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn”. Còn tại Bình Phước, bên cạnh thông điệp chung, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, cải tạo môi trường sống đảm bảo an toàn cho trẻ tại gia đình, nhà trường và cộng đồng. Vậy mà tại một môi trường giáo dục lại để xảy ra hiện tượng phản giáo dục và thiếu nhân văn như thế! 

Nói như thế không có nghĩa mọi “tội lỗi” đều đổ lên cô giáo chủ nhiệm. Dù người mẹ sau khi “tố” nhà trường đã thanh minh là không nhận được thông tin trên nên không đóng tiền chỉ là bao biện. Bởi không lý do gì tất cả mọi phụ huynh đều biết mà chị lại không biết! Có lẽ khi đăng thông tin lên mạng xã hội, chính chị cũng không thể hình dung hậu quả mình gây ra thế nào. Rõ ràng thái độ ứng xử của người mẹ khi đến đám đông (mạng xã hội) để chỉ trích nhà trường đã thể hiện sự thiếu thiện chí đối với nơi con mình đang học. Đó là điều tối kỵ, chưa kể sự việc xảy ra còn có nguyên nhân trực tiếp từ bản thân mình.  

Học sinh đến trường ngoài học kiến thức còn học đạo đức, lễ nghĩa, nhất là ở độ tuổi tiểu học. Nếu em bé đọc được những nhận xét thiếu tinh thần xây dựng của mẹ mình đối với nhà trường thì em sẽ có những suy nghĩ không tốt đẹp về ngôi trường mình đang học. Sự tổn thương của em không chỉ đến từ việc ngồi nhìn các bạn ăn đùi gà, xúc xích mà nó còn dai dẳng, sâu sắc hơn khi mà lớn lên, hình ảnh tội nghiệp của em cùng những lời bình luận cay nghiệt của người lớn vẫn như xát muối vào lòng em bé ấy! Và xem ra, những gì đang diễn ra tại Trường tiểu học Gia Lương đang đi ngược lại phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà toàn ngành vẫn đang theo đuổi. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta đã coi việc chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là tình cảm, là trách nhiệm, truyền thống mà còn là pháp luật. Niềm hạnh phúc của mỗi gia đình; sự phát triển của mỗi làng xã, huyện, thị; sự hưng thịnh của đất nước luôn gắn liền với việc chăm lo cho lớp trẻ. Và muôn đời, những gì liên quan đến trẻ em đều là chuyện của người lớn!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu