Thứ 7, 27/07/2024 10:38:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:42, 06/06/2024 GMT+7

Xu thế tất yếu, nhưng…

Lâm Phương
Thứ 5, 06/06/2024 | 04:42:18 1,819 lượt xem
BPO - Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Ở Việt Nam, TMĐT không chỉ phát triển mạnh mà còn trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại. Riêng năm 2023, hoạt động TMĐT ở nước ta tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Dự báo những năm tới, hoạt động TMĐT tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của hoạt động TMĐT cũng đang đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí là lợi dụng TMĐT để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Đáng chú ý, những hành vi này ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường cả về quy mô và địa bàn hoạt động, nhất là ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Cũng chính vì thế mà ngay từ đầu phiên chất vấn “tư lệnh ngành” công thương tại nghị trường Quốc hội ngày 4-6 đã “nóng” bởi dồn dập các câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Nhìn vào thực tế các đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: Với TMĐT, Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là: Người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp, chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng; thất thu thuế. 

Minh chứng, theo quy định hiện hành, hàng hóa dưới 1 triệu đồng không bị áp thuế VAT, thuế nhập khẩu. Hiện các sàn TMĐT lớn nước ngoài (Lazada, Shopee, TikTok…) đang khai thác ở Việt Nam, mỗi tháng khoảng 1 tỷ USD hàng nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc lượng thuế rất lớn thất thoát nếu như chúng ta không điều chỉnh quy định kịp thời.

Trong phiên trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 5-6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, TMĐT xuyên biên giới là xu thế phổ biến, tất yếu. Ông cũng cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp. Đó là, hoàn thiện chính sách, trong đó có xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng; xây dựng cơ sở tiếp nhận thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm… 

Cũng tại phiên trả lời chất vấn sáng 5-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định, TMĐT là xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng truyền thống. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng một nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả hoạt động, từ vấn đề định danh công nghệ, an ninh công nghệ cho đến thanh toán hải quan cũng như vấn đề liên quan đến thành lập logistics đồng bộ và kiểm soát thông qua các hệ thống này. 

Những lợi thế, rủi ro từ TMĐT thì đã rõ; những chủ trương, định hướng, giải pháp cũng đã có… Vấn đề còn lại là cấp có thẩm quyền và ngành chức năng phải bắt tay ngay vào thực hiện và triển khai quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm. Chỉ có như vậy mới tận dụng tối đa những lợi thế TMĐT mang lại cũng như hạn chế tối đa tổn thất cho đất nước và bảo vệ hiệu quả quyền lợi doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu