Thứ 4, 01/05/2024 02:32:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:24, 05/04/2024 GMT+7

Bản lĩnh ngoại giao Việt Nam

Tấn Hòa
Thứ 6, 05/04/2024 | 04:24:11 1,763 lượt xem
BPO - Thời gian này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích để hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21-7-1954 - 21-7-2024). Hiệp định Giơnevơ không chỉ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng đánh dấu kết thúc chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do đầy gian khổ của dân tộc ta mà còn thể hiện được bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam dù còn non trẻ nhưng rất phi thường.

Sau khi thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược nước ta, Trung ương Đảng, Bác Hồ luôn chủ trương giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình và đàm phán ngoại giao. Nhưng với bản chất hiếu chiến, bọn thực dân, tay sai đã buộc nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường Đông Dương, đội quân Pháp ngày càng rơi vào vòng xoáy của sự thất bại thảm hại. Vào ngày 26-4-1954, khi quân ta chuẩn bị kết thúc đợt tấn công lần thứ 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơnevơ bàn về giải pháp chính trị ở Triều Tiên khai mạc. Đầu tháng 5-1954, khi quân ta mở đợt tấn công cuối cùng vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, số phận của đạo quân xâm lược tại đây không thể cứu vãn nổi đã buộc Pháp và các nước đồng minh chấp nhận đàm phán với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Giơnevơ. Thế nhưng, mãi đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, toàn bộ binh lính Pháp cùng bọn lính đánh thuê tại cứ điểm này bị tiêu diệt và bắt sống thì ngày 8-6-1954, hội nghị mới bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương.

Mặc dù thất bại hoàn toàn về mặt quân sự, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu nhưng với bản chất của kẻ xâm lược, Pháp và các nước đế quốc luôn tìm cách cản trở, phá hoại hội nghị, phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc ta. Vì vậy, hội nghị phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều đợt đàm phán, nội dung đàm phán hết sức căng thẳng, tiến triển rất chậm, nhiều thời điểm rơi vào bế tắc do lập trường hiếu chiến của các nước phương Tây. Đến ngày 21-7-1954, tức qua 75 ngày đêm đàm phán căng thẳng với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Đông Dương được ký kết...

Nhìn lại lịch sử thế giới 70 năm trước cho thấy, việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Bởi thời điểm này, bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng có lợi cho quốc gia họ. Trong khi Việt Nam là một nước hết sức non trẻ lại bị bọn thực dân, phong kiến tay sai kìm kẹp gần một thế kỷ nhưng lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương đã buộc các nước lớn, những đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc tham gia hội nghị phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam; phải cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của 3 nước Đông Dương…

Ngày nay, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng bài học kinh nghiệm quý báu từ Hội nghị Giơnevơ luôn là động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trên các lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần của Hội nghị Giơnevơ để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu