Thứ 4, 01/05/2024 00:19:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:05, 04/04/2024 GMT+7

Tư duy phản biện

Nam Phương
Thứ 5, 04/04/2024 | 05:05:47 1,729 lượt xem
BPO - Giữa những ồn ào quanh câu chuyện về thất bại của huấn luyện viên Philippe Troussier ở đội tuyển bóng đá Việt Nam, trên truyền thông, hầu như đại đa số ủng hộ quyết định chấm dứt hợp đồng trước hạn với huấn luyện viên này của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, rất ít bài viết phân tích vì sao ông Troussier thất bại. Chính vì vậy, góc nhìn của ông Richard Harcus - chuyên gia tư vấn bóng đá chuyên nghiệp đến từ Scotland đăng trên báo điện tử Dân trí có thể làm nhiều người quan tâm.

Và có lẽ, nhiều người cũng sẽ dừng lại thật lâu trước một ý trả lời của ông Richard Harcus rằng: “Tôi nghĩ bóng đá đương đại cần những trợ lý huấn luyện viên không chỉ biết tuân theo mệnh lệnh mà phải biết phản biện. Tôi không hề thấy điều đó ở ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam dưới thời Troussier”. “Nếu không có đủ người xung quanh để hỗ trợ và phản biện, thay vào đó chỉ là những người ăn theo, kết quả luôn luôn là phát sinh vấn đề”.

Và điều này đúng, không chỉ trong bóng đá.

Nếu lần giở lại trong rất nhiều thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua về sai phạm của các cán bộ lãnh đạo, tập thể lãnh đạo cấp cao, thì cụm từ “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” xuất hiện thường xuyên. Đây rõ ràng là điều đáng lo ngại, phản ánh thực tế một bộ phận người đứng đầu có xu hướng áp đặt ý chí của mình thay vì lắng nghe, hoặc thói quen chấp hành, không dám đưa ra những ý kiến trái chiều của cấp dưới.

Ở đây, xin bàn về việc cấp dưới không dám đưa ra những ý kiến trái chiều. Có 2 trường hợp xảy ra: Một là cấp dưới không có năng lực, tư duy phản biện và hai là có năng lực, tư duy phản biện nhưng bàng quan, không lên tiếng. Dù là nguyên nhân gì thì đều dẫn đến kết quả tương tự nhau: cấp trên không có được những góc nhìn đa chiều để tham chiếu, từ đó không đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất.

Một tập thể đoàn kết không hẳn chỉ biểu hiện ở chỗ tất cả mọi người đều cùng nhìn về một hướng, đồng thuận 100% ở mọi vấn đề. Tập thể đoàn kết là ở đó mọi người đều sẵn sàng hiến kế, mạnh dạn đưa ra những quan điểm cá nhân, thậm chí trái chiều để thảo luận và đi đến thống nhất. Khi mọi ý kiến khác biệt đều được tôn trọng thì lúc đó sức mạnh của tập thể, trí tuệ của tập thể mới được phát huy, mới tạo ra những động lực cho sự đổi mới và tiến bộ.

Lẽ thường, tâm lý con người vốn thích nghe những lời khen hơn chê nên điều quan trọng là người đứng đầu tập thể đó phải biết cách khuyến khích tư duy phản biện, sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt từ cấp dưới của mình. Còn với cán bộ, đảng viên trong tập thể cũng phải học cách góp ý, phản biện một cách có chừng mực và thuyết phục trên tinh thần góp ý xây dựng chứ không phải lợi dụng để chỉ trích.

Tuy nhiên năng lực, tư duy phản biện thì phải được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, ngay trong gia đình và ở trường học. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đang tác động sâu sắc đến năng lực tư duy và sự thích ứng, hòa nhập xã hội của giới trẻ. Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT từng nhắn nhủ các bạn trẻ: Trong tương lai, thứ xã hội cần là người có phẩm chất tư duy và năng lực phản biện. Có thể phản biện lại mọi thứ bằng tư duy logic. Các em phải có lối sống khác biệt.

Mà không chỉ tương lai, xã hội nào cũng cần những con người có tư duy phản biện chứ không phải là những cá nhân chỉ biết đồng thuận như đã được lập trình.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu