Thứ 4, 08/05/2024 04:20:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:29, 02/04/2024 GMT+7

Ðề xuất hợp lý và nhân văn

Hồ Ngọc
Thứ 3, 02/04/2024 | 04:29:23 1,579 lượt xem
BPO - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-11-2014. Sau gần 7 năm thi hành, luật đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các chế độ BHXH ngắn hạn cũng như dài hạn. Đặc biệt, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã có nhiều bổ sung mới, trong đó có các quy định liên quan đến quyền lợi của lao động nữ như: chế độ chăm sóc con ốm đau; chế độ hưởng khi khám thai, sinh con; chế độ đối với người mang thai hộ; chế độ với người nhận nuôi con nuôi; chế độ hưởng BHXH một lần…

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nội dung trong luật này không còn phù hợp, trong đó có quy định về chế độ thai sản đối với lao động nữ. Tại khoản 1, Điều 32 Luật BHXH năm 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ của lao động nữ như: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai”. Quy định này hiện không còn phù hợp với thực tế, nhất là nhu cầu của phụ nữ mang thai. Vì dưới góc độ y khoa, các cơ quan y tế trong và ngoài nước đều đưa ra khuyến nghị rằng, một phụ nữ mang thai phải trải qua ít nhất 7 lần đi khám thai định kỳ. Đó là chưa kể trường hợp phải thực hiện những lần khám thai khác theo chỉ định đặc biệt của bác sĩ, nhằm đảm bảo sự phát triển của thai nhi và an toàn sức khỏe của sản phụ. 

Vì lẽ đó, Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đã đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật BHXH sửa đổi - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó nêu rõ: Luật BHXH sửa đổi cần quy định rõ lao động nữ có quyền được nghỉ việc và được trả trợ cấp cho 7 lần khám thai. Đồng thuận cao với đề xuất này, không chỉ có đông nữ giáo viên các cấp cũng như nữ công chức, viên chức trong ngành giáo dục mà dư luận và cộng đồng mạng xã hội cho rằng, mức trợ cấp thai sản theo dự luật cần được điều chỉnh.

Cụ thể, theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì mức hưởng trợ cấp sẽ là 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con chết hoặc chết lưu. Với mức trợ cấp như được đề xuất nêu trên là quá thấp, không đáp ứng được các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con. Đặc biệt khi căn cứ theo mức sống của từng vùng, số tiền trợ cấp nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con. Vì vậy, trong dự thảo luật cần tăng mức trợ cấp này để đảm bảo thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, có nhiều ý kiến cho rằng, mức trợ cấp hằng tháng tối thiểu phải bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn và thời gian hưởng trợ cấp là 4 tháng. Bởi lẽ, 4 tháng là khoảng thời gian hồi phục cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ sau sinh con trước khi trở lại làm việc.

Một vấn đề nữa là mặc dù Luật BHXH có hiệu lực thi hành gần 7 năm nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về thời gian nghỉ và mức trợ cấp cho lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Cùng với đó, thời gian nghỉ dưỡng thai có được tính vào thời gian đóng BHXH và bảo hiểm y tế hay không cũng chưa có quy định cụ thể. Chính vì thế, những ý kiến và đề xuất nêu trên cần được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, chỉnh sửa và bổ sung trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi trước khi trình Quốc hội thông qua, nhằm cải thiện tốt hơn quyền của lao động nữ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu