Thứ 7, 27/04/2024 16:57:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:30, 29/03/2024 GMT+7

Phải cấm... tuyệt đối

Tấn Hòa
Thứ 6, 29/03/2024 | 05:30:53 1,329 lượt xem
BPO - Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, thiết thực đối với 8 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Trong đó, vấn đề đang được dư luận quan tâm là sự ủng hộ của các đại biểu về cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu/hơi thở có nồng độ cồn.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất 2 phương án xử lý vi phạm nồng độ cồn gồm: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ). Hoặc quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở”. Qua phân tích và từ dư luận xã hội, hầu hết đại biểu đều cho rằng, phương án 1 đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt, số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm mạnh thời gian qua. Vì vậy, việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu/hơi thở có nồng độ cồn với mục đích phòng ngừa, làm giảm rủi ro, thiệt hại do sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra được các tầng lớp nhân dân ủng hộ. 

Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, với tinh thần “không có vùng cấm - không có ngoại lệ - không ngày nghỉ”, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh, vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp... Cho thấy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan khi tham gia giao thông dẫn đến vi phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, trong số các vụ vi phạm nồng độ cồn có không ít trường hợp là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.  

Để giải quyết dứt điểm vi phạm về nồng độ cồn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông có liên quan đến bia, rượu thì không thể quy định ngưỡng vi phạm. Bởi với người đã sử dụng bia, rượu dù một hay vài ly thì không thể nào biết “ngưỡng” của mình là bao nhiêu và khi nào sẽ vượt “ngưỡng”. Thậm chí, nhiều trường hợp uống bia, rượu tối hôm trước nhưng sáng hôm sau vẫn còn tồn dư nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở... Hơn nữa, việc quy định ngưỡng có nhiều hạn chế, trong đó có việc lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân khi đã dày công tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm. Vì vậy, việc cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu/hơi thở có nồng độ cồn là một trong những giải pháp căn cơ và có ý nghĩa quyết định đến sự thay đổi văn hóa, hình thành thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện quyết liệt Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ trong thời gian dài cùng sự ra quân xử lý quyết liệt hành vi vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước thời gian qua đã tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Nhờ đó, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn được kéo giảm rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên và văn hóa “Đã uống rượu bia, thì không lái xe” đang từng bước đi vào cuộc sống.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu