Thứ 7, 27/04/2024 12:34:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:51, 22/03/2024 GMT+7

Vững vàng tiến bước

Tấn Hòa
Thứ 6, 22/03/2024 | 04:51:09 1,687 lượt xem
BPO - Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2024). Đây là dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Bình Phước, là cột mốc lịch sử, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất hai tỉnh Bình Long và Phước Long là địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng của ta và địch. Đối với ta, vùng đất này là điểm tập kết kho tàng, vật tư hậu cần và các lực lượng từ miền Bắc vào trước khi tỏa đi chi viện khắp chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trên địa bàn còn có “Thủ đô kháng chiến”, nơi Trung ương đóng chân tại Căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh để chỉ huy phong trào cách mạng toàn miền Nam. Đối với Mỹ - ngụy, chúng lập thành vành đai thép, tuyến lửa để bảo vệ đô thành Sài Gòn từ xa nên đây là vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Trong những năm tháng đầy cam go, thử thách ấy, phong trào cách mạng ở hai tỉnh Bình Long và Phước Long vẫn sục sôi khí thế, chuyển từ tư thế đấu tranh chính trị đơn thuần sang thế tiến công, đấu tranh chính trị, vũ trang kết hợp với phương châm 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bình Phước đã lập nên nhiều chiến công hiển hách như đập tan các chiến lược chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh… của Mỹ. Từ vị trí chiến lược của mình, quân và dân Bình Phước đã thực hiện thắng lợi các chiến dịch Phước Long - Bình Long năm 1965, trọng điểm là Phước Long - Đồng Xoài; Chiến dịch Nguyễn Huệ; giải phóng An Lộc... góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997), Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 5 công ty cao su nhà nước cùng vài chục tổ hợp, doanh nghiệp chế biến hạt điều nhỏ lẻ. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế phát triển dựa vào nông nghiệp nên tổng thu ngân sách năm 1997 chỉ được 172 tỷ đồng; đời sống, sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn… Thế nhưng sau 27 năm, Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Nổi bật, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 8,34% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng, tăng 9,53%; kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ 180 triệu USD, tăng 8,6% so với năm 2022. Đặc biệt, Bình Phước thu hút được 48 dự án FDI với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 824 triệu USD, đứng thứ 14 cả nước về thu hút vốn FDI. Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 410 dự án FDI với số vốn đăng ký 4.244,58 triệu USD. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 11.682 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 198.898,78 tỷ đồng và 323 hợp tác xã...

Nhìn lại những thành tựu vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước trong chặng đường gần nửa thế kỷ qua càng tự hào về những đóng góp của các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để Bình Phước có được vị thế như hôm nay. Những thành tựu này là bệ phóng vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, vì một Bình Phước đổi mới, phát triển và vững vàng tiến bước vào tương lai.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu