Thứ 7, 27/04/2024 15:30:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:37, 19/03/2024 GMT+7

Cơ hội và động lực phát triển

Hồ Ngọc
Thứ 3, 19/03/2024 | 04:37:00 1,541 lượt xem
BPO - Theo Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.vn) ngày 28-2-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2024, cả nước sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, trong 50 đơn vị cấp huyện có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị. Trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích, 396 đơn vị liền kề và sau sắp xếp sẽ giảm 619 đơn vị. Trước hết có thể khẳng định, đây là việc làm cần thiết và phù hợp thực tế, đồng thời là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng giao thông trong cả nước đã và đang phát triển nhanh chóng, việc đi lại của người dân rất thuận tiện. Hơn nữa, Chính phủ đã và đang thúc đẩy nhanh, mạnh việc xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số.

Vì thế, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích nhỏ, dân số ít không còn phù hợp với tình hình thực tế đất nước. Trong khi đó, dù diện tích nhỏ, dân số ít nhưng các đơn vị này cũng duy trì số lượng biên chế cán bộ, công chức quản lý như những đơn vị khác. Do đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giúp bộ máy quản lý ở cơ sở tinh gọn, giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể là sau sáp nhập, đầu mối ở những xã này bao gồm các trường học, trạm y tế, khu dân cư đều sẽ giảm. Đặc biệt, bộ máy cán bộ quản lý của xã cũng bớt cồng kềnh so với trước. Điều quan trọng hơn là việc sáp nhập sẽ bổ sung và làm mới các động lực liên quan đến cán bộ quản lý và nguồn lực lao động. Bởi lẽ, khi sáp nhập không những là cơ hội mà còn là động lực thúc đẩy và buộc các cán bộ quản lý cũng như người lao động phải nâng cao trình độ, kỹ năng để “làm mới” bản thân, nếu không sẽ bị đào thải.

Nói tóm lại, vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là không chỉ sáp nhập cấp huyện, cấp xã mà cấp tỉnh cũng cần sớm thực hiện việc này. Vì hiện cả nước còn nhiều địa phương không đủ tiêu chuẩn là đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Do đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh cần được tiến hành chặt chẽ, thống nhất. Muốn vậy, trước hết các cấp ủy, chính quyền ở những tỉnh, huyện, xã thuộc diện phải sáp nhập cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Và trước khi thực hiện sáp nhập phải xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định và tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước. Theo đó, một trong những nhiệm vụ then chốt là thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính. Cùng với đó, phải làm tốt công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân. Vì đây là cơ hội để các địa phương tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu