Thứ 3, 07/05/2024 17:36:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 07/03/2024 GMT+7

Chung tay để phát triển

Lậm Phương
Thứ 5, 07/03/2024 | 04:45:00 2,216 lượt xem
BPO - Tại cuộc gặp mặt đầu xuân của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiêu biểu ngày 3-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện, cơ hội cho DN phát triển, “không để DN đến xin, đến kêu thì mới làm”, phối hợp hiệu quả với DN tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.

Chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng không chỉ là yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ đối với các cấp, ngành, địa phương trong việc đồng hành, hỗ trợ DNNN phát triển mà với cả cộng đồng DN trên cả nước.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, rồi tình hình chiến sự ở nhiều nơi trên thế giới diễn biến phức tạp… dẫn đến nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất trong nước do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thời gian qua, không ít DN trong nước phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động; người lao động phải nghỉ việc... Tuy nhiên, với sự nỗ lực và đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn DN trong nước đã cơ bản ổn định và có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 22.100 DN thành lập mới, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là, cộng đồng DN không chỉ tập trung ổn định, phát triển sản xuất, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động,... mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp sức xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, phát triển.

Tuy đã đạt được những thành công nhất định nhưng trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, yếu tố rủi ro đối với DN là khó tránh khỏi. Do đó, bên cạnh nỗ lực, cố gắng của cộng đồng DN nói chung và mỗi DN nói riêng cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương theo quan điểm đi đến cùng trong việc đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho DN. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần DN, nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả tính minh bạch làm cơ sở thu hút nhà đầu tư, gắn với hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với các DN... Nhất là phải kịp thời giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Vượt qua khó khăn, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm vị thế, uy tín của đất nước, tạo vận hội mới, thời cơ mới, thuận lợi mới để chuyển mình theo mục tiêu Ðại hội XIII của Ðảng đề ra: Đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Muốn thực hiện thành công mục tiêu này, bên cạnh sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương thì bản thân mỗi DN phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, chính sách không phù hợp đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý; chủ động đổi mới phương thức sản xuất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất…

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu