Thứ 4, 08/05/2024 02:42:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:50, 06/03/2024 GMT+7

Khi “cái sảy” đã “nảy cái ung”

Trần Phương
Thứ 4, 06/03/2024 | 04:50:30 1,990 lượt xem
BPO - Ngày 5-3, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những đơn vị liên quan. Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngày 7-10-2022, C03 Bộ Công an khởi tố bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trước thời điểm này, cái tên Trương Mỹ Lan được biết đến là một đại gia ở TP. Hồ Chí Minh. Thông tin đó cũng chỉ phổ biến trong giới đại gia, phạm vi khá hẹp và không biết tài sản của đại gia này tầm mức nào. Thế nhưng từ ngày 7-10-2022 đến nay, lần lượt từng lớp vỏ được mở ra và cái tên Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát đã khiến 100 triệu người Việt Nam ngỡ ngàng. 

Theo thống kê của Forbes, tháng 2-2024, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với tài sản 4,5 tỷ USD. Người xếp thứ 2 là Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản 2,4 tỷ USD. Tiếp đến là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long 2,3 tỷ USD; Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình 1,4 tỷ USD; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh 1,4 tỷ USD…

Những con số của các tỷ phú đứng đầu cả nước đó còn cách rất xa nếu so với số tiền Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, hơn 498.000 tỷ đồng - xấp xỉ 20 tỷ USD, có trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, Trương Mỹ Lan cũng còn chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng - tương đương hơn 12 tỷ USD. 

Vì sao Trương Mỹ Lan có thể dễ dàng chiếm đoạt được số tiền nhiều đến mức ngoài sức tưởng tượng ấy? Đó là có sự tiếp tay, đồng phạm của lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; cán bộ Ngân hàng Nhà nước; cán bộ Thanh tra Chính phủ; cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Chắc chắn rồi. Không có cán bộ ngân hàng tiếp tay, không ai có thể chiếm đoạt được tài sản từ chính ngân hàng họ làm việc. Không có sự bao che, tiếp tay của cán bộ kiểm toán, thanh tra thì sai phạm của các ngân hàng sẽ bị phát hiện và được xử lý kịp thời, hậu quả sẽ không lên đến hàng chục tỷ USD như thế.

Đại gia đứng sau thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng, Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, năm 2012 từng xảy ra vụ án nổi tiếng “Bầu Kiên” với Ngân hàng ACB và Ngân hàng Á Châu. Nhưng Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan là vụ án phạm tội có tổ chức, điển hình về tham nhũng xảy ra trong khu vực tư, rất nhiều đối tượng liên quan. Đây cũng là vụ án có số tiền sai phạm, chiếm đoạt, tham ô, đưa và nhận hối lộ, gây thiệt hại, thất thoát lớn nhất từ trước tới nay.

Nhà nước nào cũng khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm giàu chính đáng, đóng góp cho xã hội. Không ai muốn doanh nghiệp, doanh nhân rơi vào vòng lao lý, phá sản… Bởi lẽ doanh nghiệp, doanh nhân có tác động sâu rộng đến cộng đồng, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, ảnh hưởng tới nhiều người lao động, ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước. Thế nhưng có tội phải xử, tham nhũng, tiêu cực phải trừng trị.  

Thêm một lần nữa, đây là lời cảnh tỉnh không chỉ với doanh nghiệp, doanh nhân mà còn với cả cộng đồng, với cả khu vực công. Đó là bài học về phòng ngừa sai phạm, chủ động phát hiện sai phạm, được cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm và cố gắng khắc phục hậu quả của sai phạm. Đó còn là bài học “cái sảy” không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ “nảy cái ung” với hậu quả khôn lường.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu