Thứ 3, 07/05/2024 13:12:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:50, 05/03/2024 GMT+7

Mở rộng không gian, rút ngắn khoảng cách

Hồ Ngoc
Thứ 3, 05/03/2024 | 04:50:01 2,014 lượt xem
BPO - Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết, kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 13-NQ/TW chưa đạt yêu cầu, một số cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước còn nhiều vướng mắc. Vì thế, ngày 23-2-2024, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết luận số 72-KL/TW nêu rõ, ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thì đồng thời phải phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực, thu hẹp khoảng cách vùng, miền; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các tài nguyên khác.

Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Kết luận 72-KL/TW, ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong nhiều năm qua cũng như thời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng. Tỉnh cũng đã xác định các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định tổ chức không gian phát triển theo 3 trục động lực, gồm: Trục phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng), với trọng tâm là quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và đường phía Đông Nam quốc lộ 14. Trục phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh), phát triển công nghiệp gắn với quốc lộ 13 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Trục trung tâm (Đồng Phú - Phước Long), phát triển kinh tế gắn với ĐT741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với quốc lộ 14 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ khởi công 2 tuyến cao tốc quan trọng qua địa bàn, gồm: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Đây là 2 tuyến giao thông huyết mạch và sau khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi Bình Phước và đến TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tạo thuận lợi kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt, với 2 tuyến cao tốc này sẽ tạo đột phá cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Ngoài ra, còn giúp vận chuyển nông sản, thực phẩm, bô-xít, phát triển du lịch địa phương và khu vực, mở ra cơ hội kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Với việc tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, năm 2023, Bình Phước tiếp tục khẳng định là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Bình Phước đạt 54.894 tỷ đồng, tăng 8,34%, vượt 0,34% so với năm trước, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. Điều đáng ghi nhận là công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu